Chuyển đổi số: Cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp lữ hành

Việc ứng dụng công nghệ vào trong quản lý và vận hành là một bước đi không thể thiếu của các doanh nghiệp lữ hành, bởi chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trình độ chuyên môn, mà còn tạo nên sự khác biệt trong cách tiếp cận và phục vụ khách hàng.

Sau 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 60% so với cùng kỳ 2023 và tăng hơn 4% so với năm 2019, phục vụ hơn 66,5 triệu lượt khách nội địa. Hơn hết, dù đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, nhưng lượng khách đến trong tháng 6 vẫn đạt 1,2 triệu lượt. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy ngành du lịch Việt đang phục hồi mạnh mẽ.

Với những kết quả lạc quan trên, không thể phủ nhận sự thích ứng linh hoạt và chủ động ứng dụng công nghệ số vào quản lý và vận hành của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành.

5c67f420-9b50-4436-acfc-60473dd35638-1-1719587993-1720369726.jpeg
Ngành du lịch Việt đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 60% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Anh Thư

Theo đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi bằng nhiều cách khác nhau như: Xây dựng hệ thống Etour truy xuất và thống kê số liệu; nâng cấp giao diện website; liên kết với các cổng thanh toán điện tử,... nhằm tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Là một trong những đơn vị lữ hành tiên phong trong chuyển đổi số, ông Phạm Anh Vũ, Phó TGĐ CTCPTT Du Lịch Việt nhận định, ứng dụng công nghệ vào trong quản lý và vận hành là một bước đi không thể thiếu của các doanh nghiệp lữ hành, bởi chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trình độ chuyên môn, mà còn tạo nên sự khác biệt trong cách tiếp cận và phục vụ khách hàng.

z5601637191872-8b2d6fc28b50756a200fa1e774d26212-1720369842.jpg
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: DLV

Với Du lịch Việt, đơn vị sử dụng hệ thống quản lý dựa trên đám mây để lưu trữ và truy cập dữ liệu nhanh chóng, từ đó tối ưu hóa quy trình đặt tour, xử lý đơn hàng và phản hồi với khách hàng nhanh hơn. Song song đó là luôn cập nhật website theo các tiêu chí như: Hình ảnh chân thực, nội dung tư vấn rõ ràng, các chương trình tour du lịch minh bạch chi tiết, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cũng như tăng cường tính cạnh tranh và hiệu quả trong kinh doanh.

Sau nhiều lần nâng cấp, áp dụng công nghệ và đầu tư vào hệ thống bán vé trực tiếp đồng bộ real-time cùng các hãng hàng không, Du lịch Việt đã có sự thay đổi bứt phá trong việc quản lý thông tin các tour, dịch vụ và khách hàng, đặc biệt là về doanh thu. 

“Hiện đang là mùa cao điểm, số lượng khách trực tiếp đến phòng vé giao dịch không nhiều như 3 năm nước, nhưng doanh thu lại tăng gần 3 lần so với thời điểm trước đó. Điều này cho thấy, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc tối ưu hệ thống website đã phần nào thay đổi thói quen của khách hàng theo chiều hướng tiện lợi hơn, doanh nghiệp cũng tăng khả năng phục vụ, tăng lượng khách và doanh thu”, ông Vũ thông tin.

z5601637339066-dbbff1c0ba97b22457219746dfb70485-1720369886.jpg
Sau nhiều lần nâng cấp, áp dụng công nghệ, Du lịch Việt đã có sự thay đổi bứt phá nhất là trong doanh thu. Ảnh: DLV.

Tương tự, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty du lịch BestPrice cũng khẳng định, không chỉ riêng doanh nghiệp lữ hành mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần ứng dụng kỹ thuật số để tối ưu hóa từng công việc như kinh doanh, điều hành. Với những công việc mang tính lặp đi lặp lại, nếu ứng dụng phần mềm thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với cách làm thủ công, đồng thời cũng tránh sai sót về thông tin, truy xuất và kết nối số liệu nhanh hơn. 

laodongvn-gia-ve-may-bay-ha-nhiet-du-lich-noi-dia-co-loi-the-666d1d969c12e-1720370040.jfif
Không chỉ riêng doanh nghiệp lữ hành mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần ứng dụng kỹ thuật số. Ảnh: BestPrice

Với BestPrice, việc chuyển đổi số gần như diễn ra mỗi ngày. “Chúng tôi luôn phải cải tiến website, ngay khi có phiên bản mới, chúng tôi sẽ lập tức chuẩn bị phiên bản tiếp theo để có thể liên tục cập nhật và phát triển. Đồng thời, tại Bestprice luôn có đội ngũ nghiên cứu về trải nghiệm của khách hàng nhằm đưa ra những sự thay đổi phù hợp và thuận tiện cho khách hàng khi truy cập vào website. Từ đó tiếp tục tăng tính trải nghiệm cho khách hàng”, ông Tú cho biết.

Về hình thức thanh toán trực tuyến, khi khách đặt tour trên website BestPrice, hệ thống sẽ tự động chuyển tới giao diện thanh toán bằng Onepay giúp việc thanh toán trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trong thời gian tới, đơn vị dự định sẽ hợp tác thêm với một số cổng như Appota, Mypay vào thêm sự lựa chọn cho khách hàng. 

Trước sự nỗ lực nâng cấp mỗi ngày, trong khuôn khổ VITM 2024, BestPrice đã vinh dự được vinh danh tại 3 hạng mục: Công ty lữ hành nội địa hàng đầu Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023; Doanh nghiệp triển vọng năm 2023; Công ty lữ hành ứng dụng CNTT trong quản lý & đặt tour trực tuyến và hiệu quả trong năm 2023.

bestprice-travel-va-loat-dau-an-dac-biet-tai-ngay-hoi-du-lich-tphcm-2024-6613a2879bee7-1720370489.jpg
Với BestPrice, việc chuyển đổi số gần như diễn ra mỗi ngày.  Ảnh: BestPrice

Bên cạnh việc thay đổi, nâng cấp giao diện và liên kết với các ứng dụng trực tuyến. Một số công ty du lịch, đơn vị lữ hành như Vietravel, Đất Việt,... còn quyết định thử sức mình với hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để giới thiệu sản phẩm tour tuyến.

Về việc phát triển hình thức livestream bán tour, ông Vũ cho hay, đây một xu hướng mới mà các công ty du lịch đang khai thác nhằm tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. 

“Các phiên live sẽ giúp doanh nghiệp tăng tương tác và gần gũi hơn với khách hàng. Tuy nhiên, việc phát triển livestream ngoài đội ngũ nhân viên có khả năng tương tác tốt với khách hàng trên không gian mạng, thì còn yếu tố quan trọng là khách hàng chưa hình thành thói quen. Rất nhiều khách hàng hoặc cộng đồng vẫn chưa sẵn sàng với việc mua bán các sản phẩm giá trị cao trên mạng xã hội”, ông Vũ cho biết.

77-livestream-blog-copy-min-6687b193d34cb-1720370616.jpg
Các phiên live sẽ giúp doanh nghiệp tăng tương tác và gần gũi hơn với khách hàng. Ảnh: BestPrice

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tú cho rằng, khi thực hiện hình thức livestream, doanh nghiệp có thể tăng độ nhận diện và tương tác với khách hàng nhiều hơn. “Thế nhưng, nếu nói về vấn đề chốt được đơn thì khá khó, bởi với dịch vụ du lịch, khách hàng cần sự tư vấn kỹ lưỡng và nhiều sự tin tưởng hơn để mua sản phẩm. Thế nên chúng tôi xác định thời gian đầu livestream là để tăng tương tác với khách hàng là chính”, ông Tú nói.

Hiện BestPrice đang áp dụng hình thức livestream trên hai nền tảng là Tiktok và Facebook, đối với livestream, đơn vị chủ yếu hướng tới đối tượng là khách trẻ có độ tuổi từ 22 đến dưới 40 tuổi. Đồng thời, đơn vị cũng dự kiến sẽ livestream hàng ngày vào một khung giờ cố định, hoặc sẽ kéo dài thời gian live dài hơn để gia tăng độ nhận biết và hình thành thói quen cho khách hàng. Qua đó, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Anh Thư

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/chuyen-doi-so-co-hoi-but-pha-cho-cac-doanh-nghiep-lu-hanh-a4880.html