Bữa tiệc Âm nhạc và Sắc màu văn hoá tại Lễ hội đường phố Festival Huế 2024

Các hoạt động trình diễn trên đường phố đa dạng sắc màu văn hoá, cộng hưởng giữa sự trình diễn của các nghệ sĩ cùng với sự cổ vũ đầy hào hứng, nhiệt tình của người dân và du khách đã tạo nên không khí sôi động trên đường phố Huế trong những ngày diễn ra Festival.

Trong các kỳ Festival vừa qua, chương trình Lễ hội đường phố là sự kiện văn hóa lớn có ý nghĩa, góp phần quan trọng cho thành công của Festival Huế, khẳng định và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Các hoạt động trình diễn trên đường phố đa dạng sắc màu văn hoá, cộng hưởng giữa sự trình diễn của các nghệ sĩ cùng với sự cổ vũ đầy hào hứng, nhiệt tình của người dân và du khách đã tạo nên không khí sôi động trên đường phố Huế trong những ngày diễn ra Festival.

lehoiduongpho4-1717895977.jpg

Tham gia Lễ hội đường phố - Festival Huế 2024 có sự tham gia góp mặt của các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ: Đoàn múa Lân sư rồng Thái Nghi đường; Nghệ thuật Mặt nạ Tuồng Huế; Nghệ thuật Ca Huế; Trung tâm văn hóa nghệ thuật Kon Tum; Nhà hát Cao Văn Lầu  Bạc Liêu; Nhóm nhảy Nine Family; Huế 4 mùa xinh tươi; Áo dài, nón lá; Diều Huế những cánh bay Thái Hòa; Đoàn Cà kheo Nghệ thuật De Koninklijke Steltenlopers Merchtem Bỉ; Nhóm nhảy hiphop thành phố Cergy-Pháp; Đoàn nghệ thuật múa trống Eisa- URAKAJI Okinawa Nhật Bản; Đoàn Double Impro Cie - Wallonie Bruxelles Bỉ; Đoàn nghệ thuật trống Yanpyeong  Hàn Quốc; Đoàn Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc; Đoàn nghệ thuật Cồng Chiêng Kontum; Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

lehoiduongpho9-1717895978.jpg

1. Dẫn đầu đoàn diễu hành là Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Thái Nghi đường TP Huế. Nghệ thuật múa của Thái Nghi đường mang đậm tính chất cung đình, phong thái của người diễn viên luôn ung dung và đĩnh đạc nhưng họ luôn làm cho lân và rồng sống động y như thật. Tạo được nét riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa quê hương.

lehoiduongpho15-1717895975.jpg

2. Viện nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc đã tích cực khôi phục, phát triển và sáng tạo, làm phong phú thêm nghệ thuật Vụ kịch truyền thống. Các vở kịch được dàn dựng đầy cảm hứng và hấp dẫn về mặt cảm xúc, với vũ đạo uyển chuyển, võ thuật đẹp mắt, âm nhạc vang dội và tính cách nhân vật được thể hiện rõ ràng thông qua trang phục và ngoại hình mang đến cho khán giả những tiết mục mãn nhãn và đặc sắc. Tiết mục múa rồng 9 đoạn miêu tả hoàn hảo chú rồng hoạt động với ý nghĩa mang đến điều tốt lành, thêm sinh khí.

3. Nghệ thuật Tuồng là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc. Thời các vua Nguyễn, tuồng càng được chú trọng và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu. Trải qua thời gian, các nghệ sĩ giàu tâm huyết của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã ra sức bảo tồn và tìm cách chấn hưng nghệ thuật tuồng. Các loại mặt nạ thể hiện sự đa dạng về thể loại nhân vật, đặc trưng về tính cách, phong phú về màu sắc và cân đối cả về giới tính, độ tuổi, thể hiện đầy đủ chân dung các nhân vật trong nghệ thuật tuồng cổ, từ vai đào, vai kép, nịnh, tướng…, là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất, là điểm nhấn tạo nên phần hồn và chất, truyền tải một vẻ đẹp độc đáo của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này. Các nghệ sĩ nhà hát nghệ thuật cung đình Huế quảng diễn vẻ đẹp trang phục và mặt nạ tuồng với màu sắc rực rỡ, sống động.

lehoiduongpho6-1717895977.jpg

4. Ca Huế khởi nguồn từ hát cửa quyền trong cung vua phủ chúa, với hình thức diễn xướng mang tính bác học dành cho giới thượng lưu say mê nghệ thuật. Theo thời gian, lối hát thính phòng này dần được dân gian hóa để có điều kiện đến được với nhiều tầng lớp công chúng. Ca Huế được xem là một phần quan trọng của di sản văn hóa Huế, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Ca Huế là một trong những tiểu hệ cấu thành tổng thể văn hoá Huế, với giai điệu, nhịp điệu sâu lắng và trữ tình.

lehoiduongpho10-1717895977.jpg

5. Áo dài hình thành, tồn tại và phát triển hơn 300 năm qua, gắn liền với vai trò thủ phủ Đàng Trong, với cố đô Huế. Áo dài, nón lá đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng của xứ Huế. “Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ / Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ / Gió chiều vương áo nàng tôn nữ / Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ”. Các nhà thiết kế áo dài Trần Thiện Khánh, Quang Hòa, Viết Bảo, Đoan Trang… và những người mẫu trong các tà áo dài thướt tha trên đường phố, “Huế, kinh đô áo dài”.

lehoiduongpho8-1717895977.jpg

6. Chưa ai xác định rõ cánh diều Huế ra đời từ năm nào nhưng ít nhất cũng đã có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, chỉ là một trò chơi giữa trưa hè của những mục đồng, rồi người lớn cũng nhập cuộc, thêm màu sắc, dáng vẻ, biến những con diều đơn giản thành những hình tượng đầy màu sắc rực rỡ. Thả diều đã dần trở thành một môn thể thao văn hoá thực sự làm mê đắm lòng người. Ngoài thú vui tao nhã của mọi lứa tuổi, trong tâm thức của người Việt, thả diều hàm chứa ý nghĩa tâm linh, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi cánh diều Huế là 1 tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp của toán học, vật lý, hội họa, thẩm mỹ, nghệ thuật tạo hình cùng kinh nghiệm lâu đời... “Diều Huế, những cánh bay thái hòa”…

7. Bạc Liêu, mảnh đất nổi tiếng một thời bởi nhiều giai thoại về “Công tử Bạc Liêu”, một vùng quê giàu đẹp, có những cánh đồng lúa, đồng muối thẳng cánh cò bay. Đặc biệt, gắn liền với tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, “cha đẻ” của bài “Dạ cổ hoài lang”, được xem là “cái nôi” của nền ca cổ nhạc Nam Bộ. Nhà Hát Cao Văn Lầu giới thiệu Đờn ca tài tử, một dòng nhạc dân tộc đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể năm 2013, có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam.

8. Đoàn nghệ thuật múa Trống Eisa Urakaji đến từ Nhật Bản. Nhịp điệu và những chuyển động đẹp mắt của Eisa hòa quyện cùng tiếng trống Taiko tạo nên một điệu nhảy uyển chuyển và sống động khiến người xem không thể rời mắt. Mỗi một tiết mục biểu diễn đề mang đến sự vui tươi, mạnh khỏe, đầy nhiệt huyết, thể hiện sức sống mới của lớp trẻ, “URAKAJI” mang đến sự sảng khoái, tuyệt vời như làn gió biển đi khắp muôn phương.

lehoiduongpho7-1717895977.jpg

9. Nhóm nhảy đương đại Double Impro Cie vùng Wallonie Bruxelles và những bước nhảy ngẩu hứng, mang đến Festival Huế chương trình “Đối thoại”, thông qua điệu nhảy các vũ công chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm để dệt nên một cuộc trò chuyện thân mật giữa vũ công với vũ công và giữa vũ công với khán giả.

10. Nhóm nhảy Hiphop đến từ Trung tâm đào tạo khiêu vũ Cergy Pháp, với 4 vũ công từ những vùng đất khác nhau, họ là các vũ công đã vượt qua khóa đào tạo “Người truyền tải văn hóa qua các điệu nhảy Hip-hop” và giáo viên dạy nhảy chuyên nghiệp. Tác phẩm mang tên “Dòng chảy” là cái nhìn xuyên suốt về văn hóa Hiphop với những dòng chảy bên trong và ngoại lực bên ngoài…

11. Thành lập hơn 10 năm nay, Nine Family là nhóm nhảy cố đô Huế có khả năng trình diễn nhiều thể loại như Hiphop dance, poping, breaking, nhảy đương đại, nhảy hiện đại... với phong cách năng động, trẻ trung và đa phong cách. Nhóm đã tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình lễ hội ở Huế... Nine Family mong muốn dùng sự năng động, trẻ trung của mình để truyền cảm hứng cho du khách khi đến Huế về những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại.

lehoiduongpho12-1717895978.jpg

12. Hiệp hội nghệ thuật và văn hóa Yangpyong Hàn Quốc giới thiệu biểu diễn trống Nanta dựa trên Samulnori, nhạc dân ca Gyeongji truyền thống nổi tiếng của Hàn Quốc có lịch sử hàng nghìn năm. Giọng ca của Kang Nam Hee, ca sĩ mang lại sự ấm áp và hạnh phúc cho người nghe với những ca khúc nổi tiếng thế giới và Hàn Quốc.

13. Với nhiều tiết mục mới lạ, độc đáo, đa thể loại cùng những màn diễu hành nghệ thuật đường phố hấp dẫn, giao lưu với khán giả thành phố Huế cùng khách du lịch trong nước và quốc tế. Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn mang đến cho khán giả, nhất là các khán giả nhí thật nhiều niềm vui và tiếng cười, góp phần tạo nên sân chơi đa sắc màu.

14. Nhiều năm qua, hình ảnh Huế với những không gian xanh phủ kín trên những cung đường trong lòng thành phố,  bức tranh thiên nhiên càng trở nên rực rỡ hơn với muôn hoa khoe sắc, trải đều cho bốn mùa, đã tạo nên các điểm nhấn thú vị cho người dân và du khách. Mùa hè như hiện nay, Huế rạng rỡ với phượng đỏ, vàng, hoàng yến, hoàng điệp, sưa vàng..., kết quả của phong trào ngày chủ nhật xanh, trồng thêm cây và hoa khắp thành phố để có 4 mùa hoa tô điểm cho những con đường, góc phố, mê đắm cho người dân, rạo rực và để lại những kỷ niệm khó quển trong lòng biết bao du khách… Huế bốn mùa xinh tươi.

lehoiduongpho911-1717895977.jpg

15. Đoàn Cà kheo Nghệ thuật De Koninklijke Steltenlopers Merchtem Bỉ lần thứ 5 đến với Huế. Mỗi lần lại mang đến những màn trình diễn đầy ấn tượng, kết hợp giữa kĩ thuật điêu luyện và nghệ thuật biểu diễn tinh tế. Những chiếc cà kheo cao lêu nghêu, những động tác biểu diễn điêu luyện, những nụ cười thân thiện và những trang phục đầy màu sắc luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng Festival Huế.

Chương trình Lễ hội đường phố Festival Huế 2024, được tổ chức tưng bừng trên các đường phố chính của thành phố Huế, hòa cùng sự cổ vũ đầy hào hứng và nhiệt tình của công chúng, sẽ tạo nên một không gian thắm tình hữu nghị, tràn ngập sắc màu văn hóa.

Hồng Đăng

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/bua-tiec-am-nhac-va-sac-mau-van-hoa-tai-le-hoi-duong-pho-festival-hue-2024-a4576.html