Nhiều nước Đông Nam Á tụt hạng “Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024”

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2024. Trong đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á bất ngờ bị tụt hạng như Thái Lan giảm 12 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 2 bậc...

Riêng nước ta theo khung đánh giá mới, Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2019 đạt 3,84 điểm, xếp hạng 63/140 nền kinh tế (theo cách tính cũ xếp hạng 60/140); năm 2021 đạt 4,0 điểm, xếp hạng 56/117 nền kinh tế (theo cách tính cũ xếp hạng 52/117); năm 2024 đạt 3,96 điểm, xếp hạng 59/119 nền kinh tế - giảm 3 bậc so với năm 2021. Việt Nam là quốc gia xếp trên Philippines (69), Campuchia (86), Lào (91).

bb0514043693120910428c9195cb8de1-1717989820.jpg
Một góc Angkor Wat ở Campuchia. Ảnh: Pinterest

Ở các nước Đông Nam Á, nhìn chung bốn chỉ số xếp hạng cao là sức cạnh tranh về giá (hạng 16), an toàn, an ninh (23), tài nguyên tự nhiên (26), tài nguyên văn hóa (28) tiếp tục được đánh giá cao. Những điểm mạnh này vẫn được duy trì tương đối ổn định trong những năm qua.

Bảy chỉ số xếp hạng trung bình với các nước Đông Nam Á là tài nguyên phi giải trí (hạng 38), hạ tầng hàng không (43), nhân lực và thị trường lao động (49), sự bền vững về nhu cầu du lịch (54), hạ tầng mặt đất và cảng (54), mức độ sẵn sàng về CNTT và truyền thông (57); môi trường kinh doanh (65). Và sáu chỉ số xếp hạng thấp là Hạ tầng và Dịch vụ du lịch (hạng 80) và y tế và vệ sinh (81); sự bền vững về môi trường (93); mức độ ưu tiên cho du lịch (98). Đây vẫn là những điểm yếu cố hữu của du lịch Việt Nam qua các kỳ báo cáo. Đối với chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch có 4 chỉ số thành phần, trong đó rất quan trọng là Chi tiêu của Chính phủ cho du lịch.

z5524156613017-923271267be06732966c84132ac1ed5d-1717989623.jpg
Khung cảnh thiên nhiên Việt Nam ở huyện Khánh Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: H.N

Ngoài ra, 2 chỉ số mới cũng có thứ hạng thấp: Mức độ mở cửa du lịch (80); Tác động kinh tế-xã hội của du lịch xếp hạng 115/119 nền kinh tế. Nguyên nhân chính do Diễn đàn Kinh tế thế giới sử dụng số liệu của giai đoạn 2020-2022. Thời gian này nước ta tập trung toàn lực vào phòng chống dịch Covid19, ngành du lịch gần như bị đóng băng. Do vậy, kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh đóng góp, tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó, chỉ số "Tác động kinh tế-xã hội của du lịch" năm 2024 của Thái Lan cũng xếp hạng thấp 106/119. Trong khi đó, chỉ số này của Indonesia xếp hạng rất cao 10/119. Sự khác biệt lớn này rất khó để lý giải trong bối cảnh du lịch Thái Lan vẫn được coi là phát triển hàng đầu trong khu vực.

7ec71df30643d8022089bb55dbdaf1aa-1717989691.jpg
Tháp đôi Petronas biểu tượng công trình hiện đại của Maylasia. Ảnh: Pinterest

Chỉ số mới "Mức độ mở cửa du lịch" năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 80/119, trong nhóm trung bình thấp của thế giới. Trong đó có một chỉ số thành phần là "Yêu cầu về thị thực nhập cảnh" dựa trên báo cáo của UNWTO về Độ mở Thị thực năm 2015 (UNWTO Visa Openness Report 2015) là đã lạc hậu, chưa phản ánh được sự cải thiện lớn sau khi Việt Nam đã áp dụng chính sách thị thực mới thuận lợi hơn từ ngày 15/8/2023.

Theo đó, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã chính thức cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước với thời hạn tạm trú được nâng từ 30 ngày lên đến 90 ngày; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên đến 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực vào Việt Nam. Đây là bước đột phá về tạo thuận lợi cho đi lại du lịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã tạo động lực quan trọng cho sự phục hồi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua.

Hải Mây

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/nhieu-nuoc-dong-nam-a-tut-hang-chi-so-nang-luc-phat-trien-du-lich-toan-cau-2024-a4566.html