Ai cũng phải đến Điện Biên ít nhất một lần trong đời

Tôi cũng như bao người Việt Nam khác đã được học, được đọc về những chiến công oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong đó có Điện Biên với rừng hoa ban nở trắng núi đồi, có bản làng đậm đà bản sắc văn hóa của 19 dân tộc, có điệu múa xoè của các cô gái Thái dập dìu bước chân múa sạp trong những ngày hội... Điện Biên thật xa xôi để tôi mong có ngày được đến đó.

Tôi quyết định đi Điện Biên đón năm mới 2024 khi đọc được tin sân bay Điện Biên chính thức hoạt động lại.

aircraft-1715435334.jpg

Điện Biên đón tôi với khí hậu thật tuyệt, một chút lạnh, một chút nắng, không khí trong lành. Tôi chọn “phượt” Điện Biên bằng xe máy để khám phá trọn vẹn các cung đường đèo dốc, trải nghiệm cuộc sống cùng bà con, hoà mình vào thiên nhiên hùng vĩ trong một lịch trình dài ngày cùng Phan Thành - chàng trai “thổ địa” Điện Biên. 

nam-3301-optimized-1715435638.jpg

Nơi tôi đến đầu tiên là các điểm di tích lịch sử trong thành phố: Đồi A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Hầm De Castries, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ các liệt sĩ… Những di tích trước đây đọc trong sách, giờ tôi đã ở đây với bao xúc động, kính trọng, khâm phục, biết ơn. 

dsc01683-optimized-1715435851.jpg

Cũng trong thành phố còn có một di tích đặc biệt quan trọng mà ít ai biết. Con đường mòn ngày xưa là đường kéo pháo, giờ đây có thể đi xe máy rồi leo bộ luồn rừng khoảng 200m là lên đỉnh núi Pú Hồng Mèo - một cứ điểm quan trọng đặt trận địa pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. “Thổ địa” Điện Biên đưa tôi chiếc ống nhòm, chỉ cho tôi đồi A1, D1, Him Lam… Chiến trường Điện Biên Phủ hiện ra trước mắt. 

dsc01269-2-optimized-1715435951.jpg

Mặt trời khuất dần sau dãy núi Pu Sam Sao cũng là lúc tôi quay về Bản văn hóa Phiêng Lơi để thăm nhà sàn, gặp gỡ bà con và thưởng thức những món ăn dân tộc Thái. Cả thôn đón tiếp chúng tôi thật niềm nở, những câu chào, hỏi thăm ríu rít, nắm chặt tay như đón người thân đi xa về. Các bà, các chị đã chuẩn bị xong những mâm cơm thật hấp dẫn: Pa pỉnh tộp (cá nướng), trâu nướng tảng, gỏi cá cuốn lá dổi, sườn nướng, xôi tím nếp nương, canh bon da trâu, canh lá vón vén, nộm cà da trâu, gỏi rau tầm bóp… Rất nhiều món ăn mà lần đầu tôi được thưởng thức.

z3755417644631-0e4f693ca52b4f304387a082ecea9082-1715436069.jpg

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi trời còn chưa sáng rõ, cả thành phố chìm trong sương sớm. Cảm giác lành lạnh, tôi hít nhẹ không khí trong lành, mùi khói củi thoang thoảng làm tôi nhớ đến các vùng núi Tây Bắc đã từng đi. 

dji-20231228171041-0020-d-1-optimized-1715436962.jpg

Chặng đường đầu tiên đi về hướng tây (đông) cách thành phố 35km, Mường Khoe hiện lên với những dãy núi hùng vĩ làm choáng ngợp mọi du khách lần đầu trải nghiệm. Dừng chân ở quán cà phê nho nhỏ, chúng tôi ngắm trọn biển mây trên đèo Tằng Quái.

phg-0791-1-optimized-1715437887.jpg

Mặt trời lên cao, những tia nắng toả trên nền trời xanh biếc cùng biển mây trắng bồng bềnh tạo nên bức tranh tiên cảnh bồng lai. Bất cứ ai may mắn gặp cảnh này cũng chụp “full” thẻ nhớ để không hối tiếc khi ra về. Buổi săn mây thành công kích thích chúng tôi chinh phục đèo Pha Đin - cung đường hẹp nhiều khúc cua tay áo ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, một bên vực, một bên vách núi. Đường đi là vậy, tôi vẫn dừng xe liên tục để “check-in” từng hàng cây ban đang nở trắng đường. Điện Biên không hổ danh là miền hoa ban trắng. 

z5431602745082-416810a235e86c63270b24d7aa7de59c-1715437682.jpg

Vượt gần 100km đến huyện Tủa Chùa nằm ở phía đông bắc tỉnh Điện Biên, giáp Sơn La và Lai Châu. “Thổ địa” Điện Biên giới thiệu: “Tủa Chùa là nơi đẹp nhất Điện Biên. Huyện Tủa Chùa tập trung đông dân tộc Mông nhất tỉnh. Với bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc lâu đời, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên những dấu ấn riêng cho du lịch Tủa Chùa”.

dji-0639-2-optimized-1715438079.jpg

Tối đó, tôi được ở homestay của người Mông. Bữa cơm chiều mộc mạc xoá nhoà ranh giới e ngại. Chúng tôi cùng uống rượu Mông Pê sừng trâu. Chiếc sừng được trao tay qua nhiều người, san sẻ những giọt rượu bên nồi thắng cố. 

img-0336-optimized-1715438225.jpg

Một ngày khám phá huyện Tủa Chùa. Cứ nghĩ những điểm săn mây nổi tiếng miền bắc là Tà Xùa hay Y Tý. Nhưng không, ở Điện Biên cứ sáng là mây, đâu đâu cũng có biển mây nếu bạn ở một độ cao thích hợp.

Theo chân “thổ địa” Điện Biên đến rừng thông ba lá ở xã Trung Thu. Cảnh rừng ở đây được ví như “rừng thông Đà Lạt”. Hàng nghìn cây thông cổ thụ cả trăm năm tuổi trên triền núi xoè tán che mát khu rừng. Từ trên cao nhìn xuống, sông Nậm Mức - một phụ lưu của sông Đà, uốn lượn quanh co vòng qua hai huyện Mường Chà và Tủa Chùa tạo nên bức tranh thủy mặc đẹp huyền ảo. 

z5431643368105-2036d317eab56aac2827ae3a6a2ba388-1715438467.jpg

Hành trình tiếp tục với điểm đến là “Cao nguyên đá cổ” xã Tả Phìn. Chạy xe qua cung đường uốn lượn bao quanh địa hình núi non hiểm trở, qua những dãy núi lớp lớp đá tai mèo san sát nhau. Tôi thích thú ngắm nhìn sức sống mãnh liệt của cây ngô, cây cải, chanh leo, su su xanh mát mọc xen trong khe đá. Những ngôi nhà, hàng rào làm bằng đá thấp thoáng trong vách núi tạo nên sức hút thú vị.

dji-0466-optimized-1715440172.jpg

Sáng nay là ngày họp chợ phiên Tả Sìn Thàng. Cứ vào ngày Ngọ và Tý, đồng bào nơi đây họp chợ, trao đổi buôn bán hàng hóa. Những cô gái Mông xúng xính váy áo truyền thống rực rỡ sắc màu. Thấp thoáng bóng những cô gái Xạ Phang làm bánh rán, bánh quẩy. Một phiên chợ rộn ràng, tấp nập trong sự bình yên giữa núi rừng đại ngàn Tây Bắc.

dsc07479-optimized-1715440271.jpg

Tủa Chùa còn khá nhiều cánh đồng lúa, tôi đã hẹn gặp lại Tủa Chùa vào tháng 9 để ngắm nhìn, trải nghiệm điểm check-in nổi tiếng Đồi Rùa hay Mâm Ngọc Mâm Vàng. 

Dừng chân nghỉ ngơi, chúng tôi nhâm nhi chén trà Shan Tuyết, thưởng thức hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng ánh, đầu vị hơi đắng chát của mùi lá cây rừng lâu năm nhưng hậu vị lại ngọt. Tủa Chùa hiện có gần 600ha chè, trong đó có khoảng 30ha với hơn 10.000 cây chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

img-1774-optimized-1715441343.jpg

Sau phút nghỉ ngơi là lúc thử thách tay lái trên con đèo 13 khúc để xuống Đà Giang. Những dãy núi đá hùng vĩ làm tôi liên tưởng đến cảnh sắc Hà Giang. Khung cảnh mở ra trước mắt thật nhẹ nhàng, bình yên. 

Trời sập tối, chúng tôi dừng nghỉ ở bản người Dao ven sông. Nơi đây không có mạng di động, điện chỉ đủ sạc và thắp bóng đèn. Bữa tối được anh chị chủ nhà người Dao chuẩn bị toàn món cá. Ở sông mà, nào là cá nướng, gỏi cá, cá hấp, canh cá… Lâu lắm mới có dịp cất điện thoại để hàn huyên với nhau. 

dji-006411-optimized-1-1715441577.jpg

3h sáng hôm sau, tất cả đã lục tục thức dậy để đi cất vó cùng dân bản. Trời còn tối om, từng chiếc xuồng nổ máy ra điểm thả vó. Tận tay cất vó là một trải nghiệm tuyệt vời. Bà con vui mừng thu được nhiều cá về thuyền.

Rời bản Dao hiếu khách, chúng tôi lại tiếp túc hành trình offroad trên cung đường khó nhằn trước khi đến với hang động Khó Chua La. Cảm giác mát lạnh trong hang động cùng những nhũ đá kì vĩ khiến tất cả vỡ òa ngạc nhiên về một Tủa Chùa có quá nhiều điểm tham quan đẹp.

dsc02415-optimized-1715441613.jpg

Một ngày dài trôi qua và điểm dừng là Mường Lay - thủ phủ cũ tỉnh Lai Châu. Tôi đến nơi làm bánh Khẩu Xén, thưởng thức món ăn người Thái trắng. Lại một đêm ngắm cảnh sông Đà.

z5431815395633-e02962e362e76ae48d91cceec3b8ab14-1715441948.jpg

Ngày thứ 6 trong hành trình. Tôi chinh phục cực tây Tổ quốc. Thật khó để lựa chọn sẽ là người đón hoàng hôn cuối cùng ở Việt Nam hay săn mây ở cột mốc lúc sáng sớm. Chinh phục 570 bậc thang rất dễ dàng trong tiết trời mát mẻ. Đứng trên đỉnh Khoan La San nhìn về chân trời bất tận phía tây. Tôi đã là người đón giọt nắng chiều muộn màng nơi miền biên viễn cực tây A Pa Chải. 

dsc03690-optimized-1715442022.jpg

Tối đó, chúng tôi ngủ tại nhà trình tường của người Hà Nhì, nghe kể về truyền thuyết hòn đá trắng, tục đập trứng chọn chỗ chôn hay câu chuyện về trang phục truyền thống, những ngày tết, ngày hội của dân tộc này… 

76fdd7775741fc1fa550-1715442165.jpg

Quay lại thành phố Điện Biên Phủ, dọc đường đi dừng chân tại những thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa, tham quan bản văn hóa Nà Sự, chụp hình bên những guồng nước cùng trang phục áo cóm, trải nghiệm cưỡi ngựa trên thảo nguyên Tân Biên… 

dji-0292-optimized-1715442401.jpg

Đi tham quan thác và hang Huổi Hẹ - nơi được lựa chọn đặt Sở chỉ huy thứ hai trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, chúng tôi trekking đỉnh núi Pú Tó Cọ. Tối ngủ tại homestay ngay chân núi. 

z5431844933073-35d851acfe4adc4f7116ba007b40d3b2-1-optimized-1715442719.jpg

Kết thúc hành trình 8 ngày khám phá Điện Biên với bao cảm xúc. Tôi rời đi mà lòng vẫn còn tiếc nuối vì nhiều điểm chưa kịp chinh phục. Hẹn một ngày gần nhất tôi lại lên với Điện Biên.

Du Lịch Điện Biên Cùng Thổ Địa
www.dienbientour.com
Email: dulichdienbiencungthodia@gmail.com
Fanpage: Du Lịch Điện Biên Cùng Thổ Địa
Tiktok: Du Lịch Điện Biên Cùng Thổ Địa
Địa chỉ: Số nhà 79, Tổ dân phố 5, P Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ  

Ngọc Diệp – Phan Thành

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/ai-cung-phai-den-dien-bien-it-nhat-mot-lan-trong-doi-a4284.html