Đôi tay trẻ giữ hồn chế tác đầu lân truyền thống

Làm đầu lân không chỉ là việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự kết nối với văn hóa và truyền thống cộng đồng, là cách để bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian.

Hiện nay, nghề làm lân truyền thống của An Giang đang dần bị mai một, làm lân mà không có đủ đam mê thì không làm được. Vì đây là nghề thời vụ, một năm chỉ được vài tháng và đòi hỏi người thợ phải rất kiên trì, tỉ mỉ chi tiết nhiều công đoạn.

Hoài Phong - một người trẻ với lửa đam mê làm đầu lân truyền thống tại Long Sơn, Tân Châu (An Giang), là thành viên của Đoàn Nghệ Thuật Múa Lân Tâm Sơn Đại Việt. Đam mê múa lân và làm đầu lân từ nhỏ, bạn Phong dường như dành hết tâm huyết cho từng sản phẩm của mình. Nghề làm lân không chỉ yêu cầu tỉ mỉ, khéo léo mà còn rất cần cái tâm, đặc biệt phải có năng khiếu hội họa cùng khả năng sáng tạo để làm nên tác phẩm đặc sắc. 

428671070-360035610263497-5986104343933242992-n-1712131002.jpg

Bạn chạm ngõ với nghề này bao lâu rồi, cơ duyên từ đâu?

Tôi mê múa lân từ nhỏ và bắt đầu tập tành chế tác đầu lân từ năm lớp 6, lúc đó chỉ mới 11 tuổi. Cơ duyên chạm ngõ với nghề do lúc bé hay thường xem múa lân, từ nhỏ đã rất mê lân, đến tầm lúc lớp 6 tôi có tụ hợp được một số bạn ở xóm và thành lập được một đoàn lân nho nhỏ. Lúc đó do đa phần chúng tôi là học sinh nên là kinh phí mua đầu lân eo hẹp, vì thời điểm đó vài triệu là một số tiền rất lớn.

Từ đó tôi mới có một suy tại sao không tự tay làm một chiếc đầu lân để múa và tiết kiệm chi phí. Với đam mê nghề lân tôi muốn biết cấu tạo da thịt con lân được chế tác như thế nào và tạo ra chúng. 

Lúc mới tập tành làm tôi tự học qua hình ảnh trên mạng, mua vật liệu về làm. Thời điểm đó trong đầu tôi chỉ là một con số không, khó khăn là ở việc tôi không có một người thầy nào để chỉ dạy, chỉ biết tự tìm tòi học hỏi. 

Ban đầu làm ra chiếc đầu lân đầu tiên cũng không được đẹp nhưng tôi rất vui. Từ đó đam mê càng ngày càng lớn. Tôi cố gắng làm, học hỏi từ ngày này qua ngày khác, làm hư rồi lại bỏ, bỏ rồi lại tiếp từ tục làm đến khi nào thành ra một con lân giống y người khác mới ưng. 

Từ thời điểm đó tôi cũng có cố gắng giao lưu, học hỏi những người anh đi trước trong nghề, nâng cao tay nghề và bắt đầu thật sự dấn thân vào nghề làm lân này, đến ngày hôm nay là được 8 năm. 

tui-tui-3-1712125139.jpg

Nghề làm đầu lân tập trung vào tháng mấy? 

Ngày xưa lân thường được tiêu thụ chủ yếu vào dịp Tết, sau này bộ môn múa lân này càng ngày càng phát triển, không chỉ có Tết mà vào dịp lễ hội và giải thi lân sư rồng các đoàn ngày càng có nhu cầu tiêu thụ đầu lân nhiều hơn. Tóm lại thì thời điểm mạnh sẽ rơi vào từ tháng 8 - 9 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. 

Một đầu lân thành phẩm qua bao nhiêu công đoạn? 

Một cái đầu lân thành phẩm mất từ một tuần để hoàn thành. Từ công đoạn đan khung sườn, người trong nghề thường gọi là bẻ sườn lân mất khoảng một ngày. Tiếp theo là dán vải, đắp giấy tạo da thịt cho đầu lân. Công đoạn này dựa theo ưu điểm thời tiết, những ngày nắng đẹp thì mất 1 hoặc 2 ngày sẽ xong, nếu mưa phơi sẽ lâu khô.

Khi đã qua 2 công đoạn trên, đến phần lên màu vẽ hoa văn cho đầu lân. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong nghề vì thần thái con lân được quyết định ở tay nghề của người thợ. Người thợ phải vẽ từng chi tiết tỉ mỉ, đặt hết tâm tư, cảm xúc thả hồn vào đầu lân, từ đó mới tạo ra thần sắc của một con lân. Công đoạn này kén chọn người vì rất khó.

Sau khi vẽ xong sẽ đến công đoạn gắn lông trang trí cho đầu lân là hoàn thành. Giá thành đầu lân rất đa dạng, chia theo loại, từ hàng phổ thông đến cao cấp nhưng thường sẽ rơi từ 2.800.000 - 3.500.000 đồng. 

expert-interview-cover-instagram-story-1712125139.jpg

Bên cạnh việc chế tác đầu lân bạn còn hoạt động múa lân sư rồng?

Từ nhỏ mình đã đam mê và quyết định theo nghiệp lân. Hiện nay, các bạn trẻ không còn chú trọng đến các bộ môn nghệ dân gian như múa lân nên với tâm thế là một người đam mê tôi muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh.

Tôi luôn muốn có thể chia sẻ đam mê của mình cũng như nét đẹp của bộ môn nghệ thuật lân sư rồng này đến cho các bạn cũng như các em nhiều hơn, mong muốn bộ môn múa lân nghệ thuật ở Việt Nam càng ngày càng phát triển cao hơn cùng với các nước bạn. 

Nhìn các bạn trẻ, các em muốn học hỏi về bộ môn này trong lòng tôi thấy rất tự hào và vui khi chính mình đã tiếp lửa cho bộ môn múa lân, giúp các em có sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe. Tuy tiền lương múa lân không là bao nhưng khi được những tràng vỗ tay, cũng như nụ cười thích thú từ khán giả tôi thấy vui trong lòng, và đó cũng là nguồn năng lượng tiếp sức cho tôi tiếp tục phát triển bộ môn này. 

tui-tui-4-1712125139.jpg

Cảm ơn những chia sẻ từ bạn Hoài Phong! 

Y Thanh - Ảnh: Thanh Bùi

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/doi-tay-tre-giu-hon-che-tac-dau-lan-truyen-thong-a3866.html