Ngôi đền hàng nghìn năm ở Nghệ An gắn liền với vua An Dương Vương

Vào tháng 2 âm lịch, người dân địa phương và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội đền Cuông.

Đền Cuông - Ngôi đền hàng nghìn năm tuổi

Đền Cuông nằm trên đường quốc lộ 1, thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngôi đền cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 30km.

Đền Cuông là một công trình kiến trúc đẹp. Đền có kiến trúc chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa Thượng, Trung và Hạ điện được xây dựng vững chắc, đồ sộ. Trải qua thời gian, rêu phong càng khiến ngôi đền thêm phần trang nghiêm, cổ kính.

Ở các tòa khác được xây dựng kiểu kiến trúc 4 mái bề thế. Mỗi chi tiết, hoa văn đều được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ cho thấy sự kỳ công của người xưa. Ở đây cũng lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá như chiêng, trống, tượng thờ...

Đền Cuông có địa thế rất đẹp, giàu chất sử thi, lưng dựa vào núi Mộ Dạ, phía sau là biển. Trên núi Mộ Dạ là cả rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm sóng vỗ bờ rì rào.

dencuong1-1710417033.jpg
Đền Cuông - Ảnh: Đ.H

Theo người dân địa phương kể lại, đền gắn liền với vua An Dương Vương và nỏ thần Kim Quy. Tương truyền An Dương Vương có tên là Thục Phán. hậu duệ 18 đời của vua Hùng. Thục Phán lên ngôi vua lấy hiệu An Dương Vương, đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì được 51 năm (từ 257 - 208 TCN).

Thời Âu Lạc vô cùng hưng thịnh, không lo đến nạn giặc ngoại xâm. Vào cuối đời Tần, Triệu Đà lập nước Nam Việt, xưng vương, đóng đô ở Phiên Ngung. Mang mộng xâm lấn mở mang bờ cõi nên Triệu Đà nhiều lần mang quân thôn tính Âu Lạc nhưng đều không thành bèn lập kế cầu hòa.

Vua An Dương Vương không những chấp thuận mà còn gả con gái là Mỵ Châu cho Trọng Thủy - con trai của Triệu Đà. Sau khi được An Dương Vương tin tưởng, Trọng Thúy bày kế ăn cắp lẫy nỏ thần rồi báo cho vua cha. Có lẫy nỏ thần trong tay, Triệu Đà nắm chắc phần thắng trong tay, liền đem quân sang đánh Âu Lạc.

Do chủ quan có nỏ thần, giặc đến sát chân thành mà quân Thục vẫn đủng đỉnh không thèm nghênh chiến nên thua trận. Mất thành, An Dương Vương cùng con gái chạy vào Nghệ An lánh nạn.

Vì tin lời chồng hứa hẹn sẽ đến tìm mình, suốt đường đi, Mỵ Châu không ngừng bứt lông ngỗng từ áo rải xuống đường. Đến Nghệ An. bờ biển chắn ngang, đường đi cắt đứt, An Dương Vương mới biết Mỵ Châu đã dẫn đường cho giặc. Tức giận, An Dương Vương rút gươm chém chết Mỵ Châu rồi trẫm mình xuống biển.

Ngoài ra, đền Cuông còn gắn với những sự tích như núi Mộ Dạ có rất nhiều chim công sinh sống nên người dân lấy tên loài chim đặt cho đền.

Đến nay vẫn chưa có thông tin chính xác về thời gian khởi dựng ngôi đền. Theo tài liệu ghi chép được, ngôi đền đã được nhà Nguyễn trùng tu nhiều lần. Vào năm 1864, vua Tự Đức đã cho xây dựng lại Đền Cuông với quy mô như ngày nay.

Trong đền Cuông còn có ban thờ tướng Cao Lỗ. Phía Bắc chân núi là cửa Hiền, nơi có ngôi mộ của công chúa Mỵ Châu. Từ đền Cuông nhìn về hướng Tây là núi Mụa (người địa phương gọi là rú Mụa) có dáng voi phục, đăm đắm chầu về đền.

Lễ hội đền Cuông

Vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội đền Cuông. Nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đều nô nức về đây trẩy hội.

Nhiều năm gần đây, lễ hội đền Cuông thường kéo dài 3-5 ngày nhằm phục vụ nhu cầu trẩy hội của du khách. Năm 2024, lễ hội đền Cuông diễn ra từ ngày 21/3-25/3 (tức ngày 12/2-16/2 âm lịch). Sự kiện có 2 phần là phần lễ và phần hội.

dencuong5-1710417031.jpg
Lễ hội đền Cuông vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm - Ảnh: Fanpage Đền Cuông Diễn Châu.

Vào sáng 12/2 âm lịch sẽ diễn ra lễ khai quang và lễ cáo trung thiên. Chiều tối cùng ngày sẽ có hội diễn tại đình Xuân Ái (Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An).

Ngày 13/2 âm lịch sẽ có các hoạt động: Hội trại "Tự hào một giải non sông"; Khai mạc giải bóng chuyền nam. nữ; Các hoạt động văn hóa, thể thao; Hội thi "Tiếng hát thanh niên, học sinh"; Giao lưu các câu lạc bộ ca trù.

Ngày 14/2 âm lịch sẽ có lễ khai hội; Các trò chơi dân gian; Chung kết cờ thẻ; Hội thi "Nữ thanh niên thanh lịch"; Lễ rước vua và công chúa vi hành từ đền về đình Xuân Ái.

Ngày 15/2 âm lịch là ngày hội chính, gồm có các hoạt động như lễ rước tướng Cao Lỗ từ nhà thờ họ Cao (Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An) về đình Xuân Ái; Lễ rước vua, công chúa và tướng Cao Lỗ từ đình Xuân Ái về đền; Các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian.

Ngày 16/2 âm lịch sẽ diễn ra lễ tạ và kết thúc lễ hội.

Để chuẩn bị chu đáo và đảm bảo an ninh trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công an huyện, Huyện đội... cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể luôn túc trực nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy.

dencuong4-1710417031.jpg
Lễ rước vua, công chúa và tướng Cao Lỗ từ đình Xuân Ái về đền - Ảnh: Fanpage Đền Cuông Diễn Châu.

Theo chia sẻ từ người dân địa phương, vào ngày lễ hội đền Cuông thường có nhiều điều trùng hợp khó lý giải. Đúng ngày khai lễ lễ hội đền Cuông năm 1995, khi mọi người đang nô nức chiêm ngưỡng màn cưỡi ngựa diễu hành thì bất ngờ một con hạc to, trắng toát hạ cánh trên tay người cưỡi ngựa.

Khi chuyện về con hạc trắng chưa kịp lắng xuống thì tại lễ hội đền Cuông năm 1996, một con cá voi nặng khoảng 10 tấn chết dạt vào bờ biển Cửa Hiền (xã Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An), ngay phía sau ngôi đền. Những sự việc này chỉ là điều trùng hợp hay ẩn chứa điều gì đó đến nay vẫn là điều bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Lễ hội Đền Cuông là một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Diễn Châu nói riêng và du khách thập phương nói chung. Về đây, du khách được lắng nghe câu chuyện về đền Cuông, thắp nén hương cầu bình an, may mắn, hòa mình với biển Cửa Hiền thơ mộng, hồ Xuân Dương trong xanh, khu du lịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am - Hổ Linh Sơn - lèn Hai Vai...

Đoàn Hòa

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/ngoi-den-hang-nghin-nam-o-nghe-an-gan-lien-voi-vua-an-duong-vuong-a3656.html