Thủ tướng Chính phủ yêu cầu áp dụng nhập cảnh trực tuyến qua nhận diện khuôn mặt

Để thúc đẩy du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ thị loạt các giải pháp như: đổi mới mạnh mẽ phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch ra thị trường quốc tế; áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport),...

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Sau đợt dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã từng bước được phục hồi và phát triển, nhất là hoạt động du lịch nội địa đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019. Trong đó, chi tiêu cho mua sắm và các dịch vụ giải trí, du lịch còn thấp; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, giá dịch vụ chưa ổn định...

Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn và thách thức như: Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi; bất ổn chính trị; cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt; biến đổi khí hậu,... 

diem-qua-9-dia-diem-du-lich-viet-nam-dat-giai-thuong-du-lich-the-gioi-202212271612312533-1708141442-1708789746.jpg
Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, ngành du lịch đã có sự khởi sắc khi đón khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục. Ảnh: BHX

Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tăng cường hợp tác phát triển. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính, qua đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng giá trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu. 

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phải niêm yết giá công khai và bán đúng giá. Kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... trong hoạt động kinh doanh du lịch. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm "một cung đường - nhiều điểm đến", hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch;...

Mặt khác, về phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch ra thị trường quốc tế cũng cần được đổi mới mạnh mẽ; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề Việt Nam có thế mạnh như: du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch về đêm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, sức khỏe...

Đáng chú ý, thủ tướng yêu cầu Bộ Công an triển khai việc nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch. Đồng thời xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2024.

he-thong-autogate-02-1-1-1708790434.png
Hành khách nhập cảnh qua hệ thống autogate (hệ thống công nghệ nhập cảnh tự động) tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ảnh: dtsoft

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút khách du lịch từ các thị trường tiềm năng, Bộ Công An phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi: về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng.

Trong đó, thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như Châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

Anh Thư (tổng hợp)

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/thu-tuong-chinh-phu-yeu-cau-ap-dung-nhap-canh-truc-tuyen-qua-nhan-dien-khuon-mat-a3442.html