Vì sao cúng Rằm tháng Giêng quan trọng nhất trong năm?

Sau Tết Nguyên đán, các gia đình Việt Nam lại tất bật chuẩn bị cho lễ cúng Rằm tháng Giêng, một lễ cúng quan trọng nhất trong năm của người Việt. Vì sao lại quan trọng nhất? Mời bạn đọc tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc và Văn hoá Phương Đông với Vietnam Travel về vấn đề này.

nguyentrongtue-1708652759.jpg
Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá và Kiến trúc Phương Đông

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là lễ Thượng Nguyên – Đêm rằm tháng Giêng gọi là Nguyên Tiêu (Nguyên là khởi đầu, Tiêu là đêm, Nguyên Tiêu là đêm trăng sáng đầu tiên). Sở dĩ dân gian có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” bởi vì Rằm tháng Giêng có ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống tâm linh và tín ngưỡng của người phương Đông. Đây là một tín ngưỡng của Đạo Giáo, truyền bá vào các quốc gia phương Đông từ rất xa xưa.

Tín ngưỡng của Đạo Giáo thờ 3 vị thần là Thiên Quan – Địa Quan – Thủy Quan hay còn gọi là Tam Nguyên: Thương Nguyên – Trung Nguyên – Hạ Nguyên, các ngày lễ Tam Nguyên: Rằm tháng Giêng: Lễ (tết) Thượng Nguyên; Rằm tháng Bảy: Lễ (tết) Trung Nguyên; Rằm tháng Mười: Lễ (tết) Hạ Nguyên.

ramthanggien6-1708607216.jpg
Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt.

Ngày Rằm tháng Giêng – tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch, là ngày Thánh Đản (ngày vía) của đức Thiên Quan, hay còn gọi là Thượng Nguyên tứ phúc Thiên Quan nhất phẩm Tử vi đại đế - Đây là vị thần nhất phẩm trên Thiên Đình, trông coi toàn bộ họa phúc của nhân gian, một nhân vật rất quan trọng trong Đạo giáo.

Theo Đạo Giáo, ngày này là ngày đức Thiên Quan (Tử vi đại đế) sẽ ban phúc lành cho toàn bộ hạ giới, nên nhân gian gọi là ngày Thiên Quan Tứ Phúc (Thiên quan ban phúc). Vì vậy, dân gian sẽ chọn ngày này để lập đàn tế lễ, cầu phúc, tiêu tai giải họa, làm lễ “Dâng sao giải hạn”.. cầu mong cho một năm được bình yên, an lạc. Cho nên, nó trở thành một ngày rất quan trọng trong số các lễ tết của năm.

ramthanggieng2a-1708606598.jpg
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng - Ảnh: Đan Vy

Đối với người Việt, do cũng chịu một phần ảnh hưởng của văn hóa Đạo Giáo nên dân gian Việt nam cũng có tục cúng rằm Tháng Giêng, hay Lễ Thượng Nguyên. Trong các triều đại phong kiến xưa, triều đình đều tổ chức lễ Thượng Nguyên rất long trọng, trực tiếp Hoàng đế làm chủ lễ, cầu mong cho thiên hạ thái bình, phong hòa vũ thuận, nơi nơi thịnh vượng, người người an lạc thái hòa. Trong dân gian, khắp mọi miền đều tổ chức lễ Rằm tháng Giêng rất phong phú.

Về thủ tục, ngày lễ Thượng Nguyên sẽ gồm hai phần: Lễ Thượng Nguyên và đêm hội Nguyên Tiêu.

Lễ Thượng Nguyên thường tiến hành vào ban ngày, dân gian sẽ bày hương án ngoài trời, viết bài vị “Thiên Quan Tứ Phúc” và dâng đồ lễ gồm hoa quả, vật thực… để làm lễ cầu mong được ban phúc, tiêu tai giải hạn.

Đêm hội Nguyên Tiêu sẽ gồm nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa nhưng theo lề lối cổ xưa thì sẽ có lễ hội Hoa Đăng (thả đèn), Thiên Đăng (thả đèn trời) và kèm theo là các hoạt động văn hóa như đố đèn, thả thơ, hát múa…

Theo phong tục, thời gian lễ Thượng Nguyên là thường vào ban ngày của ngày rằm tháng Giêng nhưng không có quy ước cụ thể nào. Có một số quan điểm cho rằng cần phải cúng trước 12h trưa hay cúng trước mấy ngày đều là không có căn cứ.

Việc cúng rằm tháng Giêng là một tín ngưỡng dân gian và nó cũng là một ngày hội với nhiều phong tục đẹp, một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc. Vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng và tránh những suy diễn, mê tín dị đoan để làm cho phong tục đẹp đó bị biến tướng, bị hoen ố. Trên phương diện văn hóa, thì việc tổ chức Lễ Thượng Nguyên, đêm hội Nguyên Tiêu nên theo hướng để gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Việc cúng lễ, cốt ở thành tâm là chính, không nên bày vẽ tốn kém, suy diễn bịa đặt nhiều thứ mê tín mà không đúng.

Cũng Rằm Tháng riêng không chỉ là nét đẹp tâm linh mà còn là dịp để gia đình sum họp, kết nối với nhau và duy trì các giá trị truyền thống. Đây cũng là dịp để những thành viên trong gia đình trẻ học hỏi và tôn trọng các nghi lễ truyền thống của gia đình và dân tộc.

ramthanggieng4-1708606751.jpg
Mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng.

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng tùy theo vùng miền và quan điểm của từng gia đình, cá nhân có thể dùng đồ chay hoặc đồ mặn. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là đồ cúng phải là vật thực, tức là những đồ sử dụng được, để dâng lên làm lễ cúng.  

Nếu là đồ chay thì nên dùng bánh trái, chè, xôi, thường phải có bánh trôi nước và chè khoán (loại chè nấu bằng gạo nếp với đường), hoa quả. 

Đối với mâm cỗ mặn thường có xôi, gà, bánh tráu, rượu, trầu cau, hoa quả.

Văn khấn Rằm tháng Giêng
Đạo trời huyền diệu, phúc họa chẳng do nhân tâm tự chuyển. Xưa nay lòng người đều mong được thập phần an lạc, nhưng thiên cơ khó lường, vận đất khó thông, nên đều phải cậy nhờ Thiên quan tứ phúc.
Nay tại: Việt Nam quốc,... (tỉnh thành),... (quận/huyện),... (phường/xã),… (khu/xóm),... (nhà số)
Tín chủ con là:... Nhân Lễ Thượng Nguyên, vi kỳ thánh đản, sắm sửa hương hoa vật thực, thành tâm dâng lễ
- Cung thỉnh đức: Thượng Nguyên tứ phúc Thiên Quan nhất phẩm Tử vi đại đế.
- Cung thỉnh: Tôn thần bản gia thần linh, thần hoàng bản thổ, Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia chấp sự chư vị tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần, Ngũ phương ngũ lộ Long mạch tài thần và hội đồng nội ngoại gia tiên. Lai lâm chứng giám lòng thành tín chủ. Đức ngài Thiên Quan đại đế quyền thông ba cõi, thần uy nghiêm lắng, mắt thánh chiếu soi. Thượng Nguyên ban phúc khắp vô cùng, trần gian ngưỡng cầu ơn mưa móc.
Hôm nay gặp dịp Tết Thượng Nguyên, vi kỳ thánh đản, Thiên Quan ban phúc muôn nơi, tín chủ con thành tâm quét dọn nhà cửa, sửa biện hương hoa, đèn nhang, lễ vật... dâng cúng trước án. Nhất tâm phụng thỉnh, mong ngài ban phúc, tống ách, trừ tai, giải họa.
Mong cho được mạnh khỏe bình an, nhân khang vật thịnh, chốn chốn yên vui, nhà nhà lợi lạc, người người đều được hạnh phúc an khang.
Tín chủ con xin lòng thành nhất tâm sám hối, hành thiện thi nhân.
Con xin khấu thủ trước án, mong được soi xét!

 

Hồng Đăng

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/vi-sao-cung-ram-thang-gieng-quan-trong-nhat-trong-nam-a3419.html