Nghệ nhân thư pháp Lưu Thanh Hải: “Viết thư pháp là vẽ nội tâm, mỗi lần viết là một sự trải lòng”

Về bảo tồn thư pháp Việt, họa sĩ Lưu Thanh Hải cho rằng: "Đường đi của những người trước cũng sẽ có giới hạn. Được các bạn trẻ tiếp nối, đi theo và ủng hộ thì đó là tín hiệu rất đáng mừng và có nhiều hy vọng trong tương lai hơn".

 

Thư pháp gia Lưu Thanh Hải được biết đến là một trong những người đi đầu của dòng thư pháp chữ Quốc ngữ. Anh là chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp đầu tiên của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM và chính là một trong những người khởi xướng Phố ông đồ đầu tiên ở thành phố vào mùa xuân năm Đinh Hợi 2007. 

Trong năm vừa qua, anh đã có hai cuộc triển lãm lớn trong sự nghiệp của mình: Triển lãm “Tâm họa” tại Hội Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh và “Tâm thanh, tâm họa” tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là niềm vinh dự lớn của người luôn trau dồi học tập và hoạt động xuyên suốt mấy chục năm qua. 

expert-interview-cover-instagram-story-1705373101.jpg
 

PV: Anh có nghĩ bộ môn thư pháp đang dần mai một? 

Thư pháp gia Lưu Thanh Hải: Nói về bộ môn thư pháp thì phải hiểu nó có nhiều loại hình biểu hiện: thư pháp truyền thống (chữ Hán - Nôm, chữ Nho), thư pháp chữ Quốc ngữ, thư pháp Latinh… Nhiều người chưa hiểu nên hay nhọc nhằn về khái niệm này. Nếu nói mai một thì đúng là thư pháp truyền thống đã dần đi vào quên lãng, hiện tại hầu như phần lớn dân ta không đọc được chữ Hán, chữ Nho nên bộ môn này còn rất ít người chơi.

Thư pháp chữ Quốc ngữ thì mới xuất hiện vài chục năm trở lại đây thôi. Tôi cho rằng đó là một hướng phát triển thêm của bộ môn thư pháp. Nếu chỉ việc viết chữ Việt, chữ Quốc ngữ bằng bút lông thì không thể gọi là bộ môn thư pháp hay thư pháp truyền thống được. Thư pháp chữ Quốc ngữ kế thừa quy tắc dùng bút và nguyên tắc mỹ học của thư pháp truyền thống, được vận dụng và chuyển thể sang. Loại hình này còn khá mới nên còn nhiều khai thác, còn nhiều khiếm khuyết và hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung vào cho hoàn thiện hơn. 

PV: Theo anh, hoạt động thư pháp hiện nay đang diễn ra như thế nào? 

090ddcfa7c13a64dff02-1705373807.jpg
 

Thư pháp gia Lưu Thanh Hải: Phong trào thư pháp không ngừng phát triển, số người chơi chữ, viết chữ và sử dụng (xin chữ) không ngừng tăng. Tùy vào thời điểm có những đặc trưng riêng. Lúc phong trào mới khởi phát ở thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1999-2000) mỗi người có một phong cách riêng, ít lẫn lộn với nhau. Số lượng người viết không đông nhưng chất lượng chữ viết rất nổi bật. 

Sau năm 2010, khi phong trào thư pháp nở rộ ra, nhiều người cùng tham gia, cùng tập viết. Đa phần họ chọn phương cách dễ học, dễ viết, dễ tạo ra vẻ đẹp tức thời để mau chóng tham gia hoạt động viết chữ. Nhưng cách viết và hướng đi đó có điểm dừng, muốn phát triển thêm hay khai thác sự phong phú, đa dạng các vẻ đẹp của đường nét là rất khó. 

PV: Cơ duyên nào anh lại muốn thành lập Phố ông đồ? 

abstract-artist-interview-art-photo-collage-1705373104.jpg
 

Thư pháp gia Lưu Thanh Hải: Ban đầu ông Bùi Hiến ra ngồi tại ngã tư Trương Định và Điện Biên Phủ viết chữ, rất đông khách và nhiều bạn trẻ cũng ngồi kế bên để viết chữ, hình thành một dãy phố chữ tự phát. Khách càng ngày càng đông nhưng vị trí thì lại hẹp, làm tắc đường nên thường hay bị đội trật tự đô thị bắt dẹp vào, phải dọn đồ nghề làm bút mực rơi rớt khắp nơi, chứng kiến tình cảnh như vậy tôi cảm thấy rất xót xa. 

Lúc đó, tôi đang làm Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Nét Việt tại Nhà Văn hóa Thanh niên, tôi mới nhớ nơi đây có vỉa hè rất rộng và đẹp nên nảy ra ý tưởng xin phép nhà văn hóa và UBND Quận để làm một Phố ông đồ chính quy, bài bản có giấy phép hẳn hoi.

blue-white-modern-gradient-travel-adventure-news-instagram-post-1705373089.jpg
 

Từ ý nghĩ đó tôi mạnh dạn đề xuất lên phòng Văn hóa Nghệ thuật. Khoảng 3 ngày sau, UBND Quận 1 cho phép hoạt động. Khi đó chỉ có những bạn trẻ nhận lời khi tôi mời ra phố ngồi để viết chữ, còn người lớn tuổi đa phần e ngại việc ra đường ngồi chờ chực khách, ngại phải mặc áo dài khăn đóng và ngại việc mở quầy bán tranh bán chữ như một sản phẩm tiêu dùng đời thường. Sau đó, các bạn khác thấy vui nên mới xin ra thêm. Năm đó, hầu như những người làm ông Đồ đều bán được tranh chữ, có doanh thu trang trải được cuộc sống. 

PV: Đối với anh, buổi triển lãm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có được xem là thành công trong sự nghiệp của mình? 

Thư pháp gia Lưu Thanh Hải: Đối với tôi đó không chỉ là thành công mà còn là một vinh dự. Trước kia, Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường tổ chức các hoạt động về thư pháp nhưng là thư pháp truyền thống chữ Hán - Nôm, còn thư pháp chữ Quốc ngữ chỉ những năm gần đây mới có.

Năm 2019, tôi được mời tham gia triển lãm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hai tác phẩm được chọn. Đối với tôi khi trưng bày một hai tác phẩm rất khó thể hiện phong cách, chưa thể nói lên câu chuyện về bút pháp cũng như các khuynh hướng nghệ thuật. Vừa rồi, may mắn là triển lãm "Tâm họa" của tôi tại Hội Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh tạo được tiếng vang. Tập sách Tâm họa được tôi xuất bản và gửi tặng ra Hà Nội, được các thầy bên Nhân Mỹ Học Đường, trong ban cố vấn của Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thẩm định chất lượng, sau đó xin triển lãm thì mới được thuận lợi. Đó được xem là một sự kiện vô cùng vinh dự đối với tôi. 

8d0f9a3626f08daed4e154-1705373314.jpg
Triển lãm “Tâm thanh, Tâm họa” tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

PV: Bằng khả năng của mình, anh mong muốn bộ môn thư pháp chữ Quốc ngữ sẽ phát triển như thế nào? 

Thư pháp gia Lưu Thanh Hải:  Đây là điều tôi trăn trở bấy lâu nay. Tôi có tâm huyết, có nhiệt huyết muốn đóng góp, muốn cống hiến nhưng thực tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tình thế trước mắt có nhiều điểm chưa phù hợp. 

Theo tôi nghĩ, thứ nhất là nhiều người đang lợi dụng, ỷ lại hình ảnh áo dài khăn đóng để trở thành ông đồ. Trong khi nét bút, bút pháp, bút lực và chuyên môn thì hầu như là rất thấp, rất yếu nhưng chỉ cần khoác bộ áo dài khăn đóng ngồi chễm chệ trên chiếu thì có thể cho chữ được rồi. 

Việc phục dựng hình ảnh ông đồ xưa trong xã hội hiện đại thì rất hay, đó là một nét văn hóa rất cần giữ gìn. Nhưng nó sẽ bị đánh tráo khái niệm, tức là khi xưa ông đồ viết chữ Hán - Nôm, chữ Nho với vốn kiến thức của bản thân và dạy học thì mới là ông đồ, thầy đồ; còn bây giờ chỉ cần quệch quạc vài đường nét bằng bút lông với chữ Việt cũng được gọi là ông đồ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị chung.

Khi nhiều người cùng đổ xô thì việc thành ông đồ quá là bình thường và sẽ trở nên tầm thường. Nó không mang được giá trị to lớn mà chỉ được cái hình thức, chỉ được cái bề ngoài. Ông đồ như đang dần trở thành hình nộm, cho cảnh trí ngày tết thêm sinh động hơn mà thôi.

cb8f0c81b0471b19425650-1705373349.jpg
Triển lãm “Tâm thanh, Tâm họa” tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thứ hai là hiện tại nhiều người chưa hiểu hết giá trị của một tác phẩm thư pháp. Đa phần người chơi chữ, khách hàng chỉ khai thác ở góc độ tâm linh và nội dung con chữ. Người viết truyền tải thông điệp cho người đọc, người đọc có được câu chữ mang tính triết lý hay vài điều tâm niệm. Mọi người đang bị dừng lại ở giá trị đời thường còn giá trị nội hàm, các giá trị văn hoá tinh thần, trí tuệ, tài năng, giá trị sưu tập thì rất ít người quan tâm.

Khi viết thư pháp là sáng tác ra các đường nét, mỗi lần viết là một sự trải lòng, nhiếp tâm. Thư pháp là vẻ đẹp của đường nét đi cùng văn tự. Để có được vẻ đẹp của một đường thẳng, đường cong, nét vòng, một vết mực với chỉ hai màu đen trắng là điều không hề dễ dàng, không hề đơn giản. 

Để phát triển được bộ môn này tôi nghĩ cần có nhiều thời gian, cần có sự tìm tòi nghiên cứu, trau dồi thêm chuyên môn cũng như cần thay đổi lớn về mặt tư duy. Phải làm sao cho mọi người thấy được giá trị của bộ môn này nằm ở đâu, từ đó mới tập trung vào để thể hiện, trình bày, chuyển tải được các giá trị nội hàm giữa người viết và người chơi, người sưu tập.

 Xin cảm ơn thư pháp gia Lưu Thanh Hải về những chia sẻ đầy thú vị này!
 

Y Thanh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/thu-phap-gia-luu-thanh-hai-viet-thu-phap-la-ve-noi-tam-moi-lan-viet-la-mot-su-trai-long-a3070.html