Du lịch chữa lành: Bỏ phố về biển được và mất gì?

Kể từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, xu hướng đi du lịch của du khách, đặc biệt là giới trẻ có nhiều thay đổi. Xu hướng du lịch chữa lành, bỏ phố về biển tận hưởng cuộc sống tự do mang đến nhiều cơ hội khám phá thế giới xung quanh được nhiều người lựa chọn.

Ngày còn bé, ai cũng mong muốn được lớn thật nhanh để rời khỏi quê hương, khám phá những vùng đất mới rộng lớn, đến các thành phố học tập và sinh sống. Thế nhưng khi đã trưởng thành, đối mặt với áp lực cuộc sống, kinh tế, mối quan hệ xã hội... nhiều người lại muốn được tìm đến một nơi bình yên, sống tự do tự tại.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, xu hướng đi du lịch của du khách, đặc biệt là giới trẻ có nhiều thay đổi. Xu hướng du lịch chữa lành, bỏ phố về biển tận hưởng cuộc sống tự do mang đến nhiều cơ hội khám phá thế giới xung quanh được nhiều người lựa chọn. Đến thời điểm hiện tại, xu hướng này vẫn chưa ngừng hết "hot". Trên các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự quan tâm đến việc bỏ phố về biển, về những yêu cầu cần thiết hay trải nghiệm, kinh nghiệm của những người đi trước.

Cần chuẩn bị những gì trước khi bỏ phố về biển

lehuyenphuquy7-1705196427.jpg
Lê Huyền quyết định bỏ phố về biển ở tuổi 24.

Không như những chuyến du lịch ngắn ngày, đến các địa điểm vui chơi, ăn uống, chụp ảnh, chuyến đi chữa lành thường kéo dài vài tuần, vài tháng thậm chí cả vài năm. Trong thời gian đó, du khách sẽ dành thời gian để tận hưởng cuộc sống bình yên, giảm bớt các suy nghĩ tiêu cực và cân bằng lại tâm trạng. Những người ưu tiên du lịch chữa lành thường nhiều đối tượng từ bạn trẻ, mẹ đơn thân, bố đơn thân... Tuy nhiên, vì đây không giống như các chuyến đi du lịch ngắn ngày nên du khách cũng cần có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về những điều kiện sau:

Xác định chi phí: Đây có thể nói là điều kiện đầu tiên để có một chuyến du lịch chữa lành. Bạn cần phải tính toán chi phí sống bao gồm nhà cửa, đồ ăn, chăm sóc sức khỏe, giải trí... Đặc biệt nên có một khoản chi phí dự trù để tránh những trường hợp khác.

lehuyenphuquy1-1705196427.jpg
Huyền chọn Phú Quý bởi nơi đây có cảnh quan đẹp, mức sống thấp so với thành phố.

Thay đổi lối sống: Đối tượng chọn xu hướng du lịch chữa lành hầu hết đều là du khách từ các thành phố lớn, sôi động, nhộn nhịp trở về với thiên nhiên, những vùng biển còn chưa đông đúc nên sẽ không tránh được sự khác biệt về lối sống. Thường ở quê, vùng biển sẽ ít tiện nghi hơn thành phố, cuộc sống về đêm không sôi động sẽ gây nhàm chán, người dân dậy sớm... có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh hoạt của bạn. Chính vì thế cần phải có sự thích nghi để có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống mới.

Tìm các nguồn thu nhập khác: Thông thường cuộc sống ở các vùng biển, vùng quê không quá đắt đỏ như ở thành phố nhưng có thêm nguồn thu nhập sẽ giúp bạn ổn định tài chính, thoải mái chi trả cho các chi phí cần thiết. Thông thường nhiều người chọn làm việc online để bù đắp phần kinh tế.

Những thay đổi sau thời gian chữa lành

Lê Huyền đến từ Phú Thọ là người đam mê xê dịch và luôn muốn được khám phá vùng đất mới. Ở tuổi 24, cô quyết định nghỉ việc ở Hà Nội với mức lương ổn định, ra đảo Phú Quý, Bình Thuận. Lê Huyền chia sẻ thời điểm đó có rất nhiều bạn bè nhắn tin hỏi thăm vì sao lại quyết định như vậy, có người còn nghĩ cô thất tình, gặp biến cố lớn... nhưng thật ra chẳng có lý do gì cả: "Chỉ là mình thích ra đảo sống thôi. Mình thích biển, thích khám phá và trải nghiệm những vùng đất mới nên mình chọn Phú Quý. Sau khi ở một thời gian tạm gọi là nghỉ ngơi thì mình có bén duyên với nghề làm sáng tạo nội dung trên TikTok và vì quá thích Phú Quý, với nhận thấy dịch vụ lưu trú ở Phú Quý còn hạn chế nên mình đã quyết định mở một chiếc homestay nho nhỏ và gắn bó lâu dài hơn với nơi đây".

lehuyenphuquy3-1705196427.jpg
Mỗi ngày ở Phú Quý với Lê Huyền đều rất đặc biệt khi được hòa mình với thiên nhiên, biển cả.

Đến thời điểm hiện tại Huyền đã sinh sống ở Phú Quý gần một năm. Mỗi ngày trôi qua với cô đều rất tuyệt vời khi được ngắm nhìn biển mênh mông, chiêm ngưỡng những khung cảnh ấn tượng: "Mỗi ngày ở Phú Quý đều là một ngày đặc biệt đối với mình và chẳng ngày nào giống ngày nào cả. Buổi sáng đa số mình sẽ dành thời gian làm việc, buổi chiều mình sẽ đi lặn, đi bắt ốc, đi tắm biển, vẽ tranh, đi chơi với chó, đi nhặt rác cùng các bạn trẻ ở đây,... Mình có cả một danh sách những việc cần làm ở Phú Quý mà vẫn chưa làm xong. Đó là khoảng thời gian đầu tiên chưa xây dựng homestay.

Còn hiện tại việc xây dựng home khá bận rộn mình thường xuyên phải qua công trình giám sát, rồi ra ngồi cà phê làm việc. Thế nhưng mỗi chiều mình vẫn sẽ dành thời gian cho bản thân để đi ngắm hoàng hôn "chill", tối về lại làm việc tiếp. Cuối tuần thì đi chơi với bạn bè trên đảo".

lehuyenphuquy9-1705196647.jpg
Chi phí ăn uống ở Phú Quý rất rẻ.

Với kinh nghiệm gần 1 năm bỏ phố về biển, cô cho rằng để có một cuộc sống ổn định sẽ cần phải tự chủ về kinh tế: "Tất nhiên việc đầu tiên là phải có cho mình một công việc online và một nguồn tài chính ổn định. Chi phí sinh hoạt ngoài đảo sẽ rẻ hơn đất liền tuy nhiên tiền di chuyển đi đi về về giữa đảo và đất liền rất tốn kém. Đồng thời mình nghĩ là các bạn nên luôn giữ trong mình tinh thần cố gắng như việc mình ra đảo sống dù có chill nhưng vẫn không ngừng cố gắng làm việc, học tập, tích luỹ kiến thức cho bản thân".

Khi được hỏi về cảm nhận cuộc sống bỏ phố về biển, Lê Huyền cho biết thời gian đầu cô thấy cuộc sống này thật sự màu hồng, cho đến khoảng sau 5 tháng bắt đầu vỡ mộng vì bị mất phương hướng. Để bản thân nghỉ ngơi, sống nhàn rỗi quá nhiều đã khiến mình bị trì trệ và mất đi định hướng của bản thân: "Quyết định này cho mình nhiều lắm, mình khoẻ hơn, sống vui vẻ lạc quan hơn, mình có một công việc mà mình yêu thích, mình biết bơi biết lặn giờ thả giữa biển cũng ko sợ chết đuối, rồi mình có nhiều bạn bè trên đảo hơn, được trải nghiệm đủ thứ trò trên đảo,... được trải qua những khoảng thời gian khó khăn và biết cách tự mình vượt qua đó, biết suy nghĩ và nhìn mọi chuyện thấu đáo hơn. Đặc biệt Phú Quý cũng đã cho mình được học những bài học quý giá.

Còn mất thì mình chắc mất thứ gì cả, à nếu có mất thì chỉ có mất tiền thôi và mất thời gian nhìn nhận lại bản thân, mấy một nửa năm để biết được mình nên làm gì, sẽ trở thành ai và sống như thế nào".

lehuyenphuquy8-1705196684.jpg
Gần 1 năm ở Phú Quý và Lê Huyền chưa có ý định sẽ về Hà Nội mà tiếp tục gắn bó với nơi đây.

Khi được hỏi rằng nhiều người cho rằng việc giới trẻ thích tự do, mang laptop ra biển làm việc chỉ là sự bộc phát, Lê Huyền cho rằng nếu như bạn có 1 công việc ổn định thì bạn muốn vác laptop đi đâu làm gì cũng được thì mình không coi đó là bộc phát. Cô nói thêm rằng thời điểm 5 tháng sống ở Phú Quý đã có định trở về Hà Nội, tái hòa nhập cộng đồng nhưng vì "nghiện Phú Quý" nên vẫn quyết định ở lại: "Bản thân mình nên biết rõ mình làm gì, đừng để bản thân nghỉ ngơi quá lâu là được. Sau 5 tháng sống ở Phú Quý mình đã có suy nghĩ tái hòa nhập cộng đồng, trở về Hà Nội làm việc nhưng với một người ở Phú Quý khá lâu như mình thì đó là điều khó khăn và có một hội chứng mà mọi người vẫn hay trêu nhau là hội chứng nghiện Phú Quý là có thật nha (cười). Vì vậy sẽ mất thời gian dành cho những ai muốn trở về cuộc sống bình thường. Còn mình không chọn cách quay về Hà Nội nữa mà ở lại để theo đuổi ước mơ, ước mơ được sống ở Phú Quý, coi Phú Quý như nhà của mình".

Bài: Đoàn Hòa - Ảnh: Lê Huyền

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/du-lich-chua-lanh-bo-pho-ve-bien-duoc-va-mat-gi-a3047.html