Bình Thuận và 7 bài học sau từ Năm Du lịch Quốc gia 2023 

Trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước", ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận đã có bài tham luận chia sẻ về kết quả và kinh nghiệm sau khi tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh".

Theo đó, sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2023 là cơ hội lớn để Bình Thuận phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đến bạn bè trong và ngoài nước. Qua một năm hoạt động với nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục khắp các địa phương trong tỉnh Bình Thuận và trải dài khắp 41 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được đông đảo nhân dân, du khách hưởng ứng, tham gia. Trong đó có nhiều hoạt động quy mô để lại dấu ấn lớn trong lòng du khách như Lễ Công bố Năm du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" (gắn Lễ hội đếm ngược); Diễu hành Mô tô; Hội thảo quản trị điểm đến du lịch bền vững; Hành trình du lịch xanh; Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương; Tổ chức giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2023, Festival nghệ thuật biểu diễn thế giới...

Với nhiều hoạt động đặc sắc, du lịch Bình Thuận năm qua có nhiều khởi sắc. Ước tính năm 2023, Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 220.000 lượt, tăng 2,37 lần so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng bình quân 16,56%/năm. Du lịch Việt Nam ghi nhận ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã lọt vào top các địa phương trong cả nước có doanh thu trên 10.000 tỷ đồng.

binhthuan1-1704378933.jpg
Tiết mục trong lễ bế mạc Năm du lịch Quốc gia 2023 - Ảnh: Báo Bình Thuận.

Sau khi thực hiện Năm du lịch Quốc gia 2023, Bình Thuận rút ra được các bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, xây dựng chiến lược, kế hoạch và đề ra các chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế du lịch phù hợp với từng thời kỳ. Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch cần chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất những trọng tâm phát triển cho từng giai đoạn, chú trọng đề xuất những loại hình du lịch mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hai là, tổ chức không gian du lịch vùng trong phạm vi cả nước được xác định trong chiến lược du lịch. Theo đó, nội dung này xác định rõ các địa bàn, không gian trọng điểm để phát triển kinh tế du lịch.

Ba là, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất nhằm phát triển kinh tế du lịch, nhất là các tuyến giao thông thuận tiện… để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, cần có tầm nhìn dài hạn, lựa chọn được những ý tưởng, phương án quy hoạch phù hợp, lựa chọn được các nhà tư vấn thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch.

Bốn là, giải quyết tốt giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới...

Năm là, xây dựng chính sách để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Đặc biệt, phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.

Sáu là, có kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, tiếp cận trình độ thế giới để đảm đương công tác quản lý phát triển kinh tế du lịch.

Bảy là, có kế hoạch quảng bá địa danh du lịch phù hợp đối với từng khu vực, từng đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước. Để thực hiện thành công các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước về hạ tầng cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Lam Giang

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/binh-thuan-va-7-bai-hoc-sau-tu-nam-du-lich-quoc-gia-2023-a2941.html