Điện Biên đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch

Hội nghị này là sự kiện khởi đầu cho Năm du lịch quốc gia 2024 được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng về phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, các cơ hội đầu tư kinh doanh tại tỉnh Điện Biên đến các cơ quan doanh nghiệp. Thông qua hội nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch, hứa hẹn sẽ giúp tỉnh Điện Biên có một năm du lịch thực sự sôi động cùng kết quả tốt đẹp và cũng là năm bản lề cho ngành du lịch phát triển những năm tiếp theo.

Đến dự Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên có sự tham gia của ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; ông Nguyễn Minh Phú - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên; ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và thị xã Mường Lay,…

f7c2119709c7a299fbd6-1704164316.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định những tiềm năng lớn về du lịch mà tỉnh đang có. Theo đó, Điện Biên có diện tích tự nhiên 9.562 km2, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, có đường biên giới dài 455.572 dài 455,572 cũng là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với 2 quốc gia là Trung Quốc và Lào.

Điện Biên có 33 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh, 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Nơi đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là tỉnh duy nhất thuộc khu vực Tây Bắc có sân bay kết nối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được nâng cấp thành sân bay lớn, hệ thống giao thông đường bộ với các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng,… đó là những yếu tố quan trọng để tỉnh Điện Biên xây dựng và phát triển.

Xét trên phương diện tài nguyên du lịch lịch sử, tâm linh: Tỉnh Điện Biên có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng bề thế và trang nghiêm,…

b8d4f1efe9bf42e11bae-1704164331.jpg
Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị.

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có, hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én, các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Hà Nhì,…

Về tài nguyên du lịch sinh thái: Tỉnh Điện Biên hiện đang khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, như: Nghiên cứu hệ sinh thái hồ Pá Khoang, khám phá Đảo hoa Anh đào, đèo Pha Đin, Rừng di tích lịch sử Mường Phăng, chinh phục A Pa Chải - điểm Cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa; các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn như Pe Luông, Uva…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đánh giá đây là những điều kiện rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: "Năm 2024 Điện Biên đăng cai năm du lịch quốc gia, tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Điện Biên. Là một động lực to lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

Trong điều kiện kinh tế Điện Biên còn nhiều khó khăn thì cơ sở hạ tầng đề phát triển du lịch là mối quan tâm hàng đầu và cũng là quan trọng nhất với tỉnh trong thời điểm hiện tại. Các đồng chí lãnh đạo cũng đã quyết liệt, mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư để làm sao tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế xã hội, chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch để du khách về với Điện Biên không những được về mảnh đất anh hùng, đắm chìm trong bản sắc văn hóa của Điện Biên mà được hưởng thụ những cơ sở lưu trú thực sự có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa".

bac914e66db4c6ea9fa5-1704169878.jpg
Đoàn famtrip khảo sát tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng.

Tại hội nghị cũng có sự tham gia của các cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành khai thác tour tuyến Điện Biên nhằm giới thiệu các sản phẩm và đề xuất ý kiến, đóng góp phát triển du lịch. Anh Phan Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch Phan Thành Tây Bắc cũng khẳng định tiềm năng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên,… của Điện Biên. Bên cạnh đó, đại diện công ty cũng đề xuất giới thiệu những điểm du lịch khác bên cạnh những di tích lịch sử quen thuộc như: Đồi A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ như: Đài quan sát của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên đỉnh Pu Tó Có với độ cao 1.700m, các bản của người dân tộc Hà Nhì, Thái Trắng, phát triển các loại hình trekking,… để làm phong phú thêm các trải nghiệm cho khách du lịch, cũng như khai thác tối đa các tiềm năng du lịch của tỉnh.

Tại Hội nghị cũng có sự tham gia, góp ý của  nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cùng các công ty du lịch, lữ hành. Ông Phan Mạnh Tuấn, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cộng đồng đánh giá Điện Biên là một "mỏ vàng" về tiềm năng phát triển du lịch. Cụ thể là chất liệu văn hóa lịch sử trong thời kháng chiến cứu quốc. Hai là nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Ba là thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, bốn là người dân thân thiện, hiếu khách, ẩm thực thơm ngon, đặc trưng và cực kỳ độc đáo của vùng núi rừng Tây Bắc.

c3a6fe9ce6cc4d9214dd-1704164300.jpg
Ông Phan Mạnh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Ông cho rằng địa phương nên đẩy mạnh truyền thông, đầu tư về du lịch thông qua các bộ phim hay cuộc thi thể hiện nét văn hóa, lịch sử của Điện Biên như: Đẩy xe thồ, cuộc thi kéo pháo, dựng lại những hầm hào để du khách có thể tham quan, trải nghiệm thực tế,… Ví dụ chỉ qua một bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" mà Bãi Xép của tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến nổi tiếng, thu hút khách du lịch. Thêm vào đó, để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, các cơ quan ban ngành cần phối hợp với doanh nghiệp để tạo ra một bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn người dân địa phương cách làm.

Từ ngày 30/12/2023- 3/1/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên (Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên) tổ chức chương trình famtrip cho hơn 30 doanh nghiệp, đại diện cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khảo sát các tuyến, điểm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo chương trình, đoàn đã tới khảo sát một số điểm tham quan, di tích lịch sử trên địa bàn huyện Tuần Giáo, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ…

Bài và ảnh: Nhật Tân

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/dien-bien-day-manh-xay-dung-co-so-ha-tang-phat-trien-du-lich-a2910.html