Xác lập 10 Kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam

Tổ chức kỷ lục châu Á vừa chính thức công nhận 10 món ăn Việt được công nhận 'đặc sản châu Á', nâng số lượng Kỷ lục về Ẩm thực và Quà tặng Đặc sản Việt Nam đạt Kỷ lục châu Á lên 60 món, gồm 38 món ăn đặc sản, 22 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng của các địa phương.

Sau một thời gian tổng hợp và thiết lập hồ sơ đề cử, ngày 5/12, Tổ chức Kỷ lục châu Á vừa chính thức có quyết định xác lập 10 Kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí Kỷ lục Ẩm thực và Đặc sản châu Á năm 2023.

Đây cũng là lần thứ 4, Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố xác lập sau năm 2012, 2013 và 2022 dựa trên sự đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), nâng số lượng Kỷ lục về Ẩm thực và Quà tặng Đặc sản Việt Nam đạt Kỷ lục châu Á lên 60 món, gồm 38 món ăn đặc sản, 22 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng của các địa phương. Cụ thể, trong danh sách mới nhất Việt Nam có 10 đại diện, chia đều ở hai hạng mục: Món ăn đặc sản và đặc sản quà tặng.

5 món ăn đặc sản châu Á gồm: 

1. Bánh mì Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh)

banh-mi-viet-nam-13-1699862569-1701848103.jpg
Nhân bánh mì kẹp được nhồi từ nhiều loại thịt nguội Việt Nam cùng với dưa chuột, sốt mayonnaise. Ảnh: Mahai

Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu dậy sóng khi tiệm bánh mì Sài Gòn đầu tiên được mở cửa hơn 50 năm về trước. Người Sài Gòn bắt đầu ưa chuộng vì tính ngon, bổ, rẻ của món bánh mì. Ổ bánh mì vừa đủ một người ăn nên không lớn lắm. Vỏ bánh giòn, ruột bánh đặc vừa phải, bột không bị vón cục khi nhai trong mềm ngoài giòn mới đúng chuẩn.

Người miền Nam thì thích cái gì cũng phải có tí rau. Vì vậy, những lát dưa leo, đồ chua, hành lá, ngò rí, vài khoanh ớt cay nghiễm nhiên có mặt trong bất kì ổ bánh mì thịt nào trên tay thực khách. Ăn ổ bánh mì, phải có đầy đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa-tê, vị thanh mát của rau sống thì mới đúng điệu bánh mì Sài Gòn.

Hàng ngày, những chiếc xe đầy ắp bánh mì vàng ươm, thơm phức được chở đi khắp mọi nẻo đường Sài Gòn. Cứ thế mà món bánh mì trở nên một phần không thể thiếu trong nhịp sống của tất cả mọi người.

2. Cơm hến (Thừa Thiên-Huế)

tin-tuc-thenao-1-1701848534.jpg
Cơm hến chỉ được bán tại Huế, rất khó kiếm được tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ảnh: nethue

Đến với ẩm thực Huế, chắc chắn bạn không thể bỏ qua món cơm Hến vùng biển Cồn Hến – món ăn nổi tiếng tại cố đô. Món cơm Hến xứ Huế là sự hòa quyện giữa hương vị đậm đà của hến xào, vị chua nhôn nhốt của xoài xanh, bùi bùi của lạc đỏ, vị mát của rau muống chẻ, rau mùi, hoa chuối cùng vị giòn tan của bóng bì chiên và bỏng miến. 

Thêm vào đó là một bát canh hến thanh mát đi kèm. Khi thưởng thức, thực khách không nên trộn lẫn bát canh với cơm lại với nhau bởi làm như vậy sẽ làm mất đi dư vị đậm đà trong hến xào đã được tẩm ướp đồng thời làm cho món cơm hến bị tanh hơn. Bởi vậy, bạn chỉ nên trộn đều nguyên liệu có trong bát cơm, sau đó ăn kèm với canh là chuẩn vị nhất.

3. Lẩu thả Phan Thiết (Bình Thuận)

lau-tha-phan-thiet-banner-1701848816.jpg
Lẩu thả Phan Thiết có một cách bày trí cực kỳ ấn tượng, tạo nên một tổng thể khá hài hòa giống như một bông hoa rực rỡ được bày trên bàn ăn

Lẩu thả Mũi Né là một món ăn cực dân dã và rất đặc trưng của Mũi Né Phan Thiết. Món ăn này được rất nhiều người dân và khách du lịch yêu thích. Lẩu thả là sự kết hợp hoàn hảo giữa rất nhiều nguyên liệu vô cùng tươi ngon và được người nấu bày trí một cách vô cùng bắt mắt. Trứng chiên được cắt nhỏ, Thịt heo luộc, cá mai lóc xương tẩm ướt hoà quyện cùng với các loại gia vị và đủ loại rau củ.

Điều đặc biệt là nước chấm của lẩu thả cũng là một trong những yếu tố khiến cho món ăn này trở nên càng hấp dẫn hơn. Hương vị sánh mịn, thơm béo và đậm đà của nước chấm được làm ra từ sự kết hợp cực kỳ khéo léo của me chua, lạc rang, chuối sứ, ớt chín, và nước mắm rất đặc trưng ở nơi đây. Hơn nữa, loại lẩu này còn có một cách bày trí cực kỳ ấn tượng, tạo nên một tổng thể khá hài hòa giống như một bông hoa rực rỡ được bày trên bàn ăn. Những nguyên liệu dùng để thả lẩu được đặt lên trên những bẹ bắp chuối sau đó đặt thành các vòng tròn, và phía bên trong có một đĩa cá mai. 

4. Nem nướng Ninh Hòa (Khánh Hòa) 

nem-ninh-hoa-quen-sao-dang-huong-vi-beo-bui-cua-chiec-nem-thit-nac-noi-xu-bien-mien-trung-hien-hoa-1622450017-1701849082.jpg
Nem nướng Nha Trang là món đặc sản du khách nhất định nên thử khi ghé thăm thành phố biển xinh đẹp này. Ảnh: Mia

Nem Ninh Hòa vốn là món ăn dân dã đến từ huyện nhỏ Ninh Hòa, ấy vậy nhưng nhiều người lại hiểu lầm rằng những chiếc nem be bé với vị chua chua, bùi bùi của thịt nạc heo lên men lại có xuất xứ từ thành phố biển Nha Trang hiền hòa. Thật ra, từ lâu rồi, mảnh đất Ninh Hòa này được xem như ‘cái nôi’ của cả món nem chua lẫn nem nướng nổi tiếng vang danh khắp cả một vùng. 

Nguyên liệu để làm ra những chiếc nem có kích cỡ be bé vừa ăn đó chính là loại heo giống được nuôi duy nhất tại vùng Đất Đỏ. Đây cũng chính là điểm đặc biệt của nem Ninh Hòa bởi chỉ có sử dụng loại heo địa phương này thì mới có thể làm ra những thanh nem thơm ngon khiến lòng người xao xuyến mãi như vậy. 

Khi ăn, nem nướng Ninh Hòa sẽ được dọn kèm các loại rau sống, dưa chuột, chuối xanh, khế chua, diếp cá, húng quế, xà lách, xoài xanh, bánh tráng chiên giòn và cả chén nước chấm tương đậu phộng béo béo bùi bùi. Tương được chấm với nem phải là tương đậu phộng, được pha chế cầu kỳ với các loại nguyên liệu như tôm, thịt, gan heo, đậu phộng rang giã nhuyễn, tỏi và ớt băm. 

5. Bún nước lèo (Sóc Trăng)

3b98c0eb-a7cf-472e-955e-c44d972f8dc0-1-1701849347.jpeg
Bún nước lèo là món ăn đặc sản ở Sóc Trăng, là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Ảnh: naunuong

Giữa nhiều món ngon đặc sản xứ chùa vàng như Dưa kiệu đường Sóc Trăng, kim tiền kê, phá lấu... bún nước lèo chiếm trọn cảm tình của người thưởng thức bởi hương vị đặc trưng đầy cuốn hút. Đây là món ngon mang trong mình tinh hoa ẩm thực đến từ 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer đã cùng sinh sống lâu đời tại vùng đất này.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn ở bất cứ nơi đâu trong hành trình khám phá miền Tây sông nước, thế nhưng Bún nước lèo Sóc Trăng chắc chắn sẽ để lại một ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Sở dĩ nói hương vị của món Bún nước lèo Sóc Trăng khác hẳn so với những nơi khác bởi đó là sự kết hợp đầy ấn tượng giữa nguồn nguyên liệu dân dã và cách chế biến mang đậm tính địa phương của người nấu.

Tinh túy của món Bún nước lèo Sóc Trăng nhìn chung nằm ở hương vị nước lèo độc đáo được chế biến từ mắm, sả và ngải bún hòa quyện rất cân đối. Mắm thường sử dụng để nấu bún thường là những loại có sẵn ở khu vực địa phương như mắm cá sặc, cá lóc, riêng người Khmer gốc rất chuộng nấu bằng mắm bò hóc có mùi vị cực kì đặc trưng. 

5 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng gồm:

1. Cốm làng Vòng (Thành phố Hà Nội)

com-lang-vong-3-1701849844.jpg
Những hạt cốm xanh tuy rất mỏng manh nhưng lại thơm ngọt, dẻo, cho vào miệng ăn thì lại có vị ngọt nhẹ và thơm mùi sữa của lúa nếp non. Ảnh: VCCA

Hà Nội khi vào thu là hình ảnh những gánh cốm trên đôi vai của các bà, các mẹ len vào từng hẻm, một hương vị rất đỗi dân dã giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Những hạt cốm xanh tuy rất mỏng manh nhưng lại thơm ngọt, dẻo, cho vào miệng ăn thì lại có vị ngọt nhẹ và thơm mùi sữa của lúa nếp non, để rồi mỗi khi du khách đi tour Hà Nội thưởng thức qua đều cảm thấy quyến luyến và nhớ thương.

Bên cạnh sự kỹ càng, chỉnh chu trong cách chế biến thì thưởng thức cốm cũng cầu kỳ không kém cạnh. Cốm không phải là món ăn để no, nên chỉ cần một gói nho nhỏ, ngồi nhâm nhi thưởng thức bên chén trà xanh, ngắm phố phường và hàn huyên cùng bạn bè thì không còn gì thú vị bằng.

Có thể thưởng thức cốm bằng rất nhiều cách, đôi khi là nhóm vài hạt ăn chơi, hay ăn cốm kèm với chuối tiêu chín. Sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt, thơm của chuối, dẻo mềm của cốm mang đến cho thực khách một hương vị mùa thu thật sự. Ngoài ra, cốm làng Vòng Hà Nội còn có thể chế biến được thành nhiều món khác nhau đem đến những hương vị riêng biệt như xôi cốm, cốm xào, chè cốm,…

2. Khoai deo (Quảng Bình)

thuong-thuc-khoai-deo-quang-binh-ngon-dung-dieu-1654009814-1701849961.jpg
Từ những củ khoai mộc mạc ấy mà người ta đã tạo nên món Khoai deo Quảng Bình có một không hai, thường được mọi người mua về làm quà. Ảnh: Mia

Nhâm nhi Khoai deo Quảng Bình vừa thơm vừa dẻo bạn sẽ cảm nhận được một hương vị ngọt bùi đang tan ngay trên đầu lưỡi. Thú thưởng thức khoai deo cũng khiến con người ta nhớ mãi. Đầu tiên bạn sẽ thấy hơi bất ngờ với độ cứng kỳ lạ chẳng giống khoai chút nào cũng chúng. Nếu cứ cố chấp mà cắn thì có khi gãy răng luôn không chừng. 

Cách thưởng thức khoai deo đúng chính là từ tốn nhâm nhi, nhấm nháp và cảm nhận hương vị từng chút một. Khi miếng khoai đã dần mềm mại thì chúng ta sẽ bắt đầu nhai, và thấy được cái dẻo thơm của khoai đang lan tỏa trong cuống họng. Đó là chút hương vị bùi bùi, thơm thơm tinh tế hòa quyện vào nhau khiến người ta cứ muốn chìm đắm mãi. Bạn có thể thử nhâm nhi từng lát khoai bên ly trà nóng, giữa không gian tiết trời lành lạnh mà xem, quả thật vô cùng tuyệt hảo. 

3. Mè xửng (Thừa Thiên-Huế) 

keo-me-xung-gion-thom-ngot-ngao-khach-den-nha-ngay-tet-con-muon-xin-mang-ve-1701850245.jpg
Từ người già đến người trẻ, người giàu đến người bình dân bình thường ăn mè vừng hàng ngày, hay được trưng trong mâm cỗ đĩa bánh tiếp khách. Ảnh: checkinhue

Cùng với kẹo cau, mè xửng Huế từ lâu đã trở thành biểu tượng của cố đô và còn nằm trong danh sách những đặc sản Huế thơm ngon tuyệt hảo. Hương vị thơm ngọt của những nguyên liệu làm nên kẹo mè xửng ngon tuyệt đã lôi kéo biết bao người thưởng thức. Nếu ai đã từng đến Huế mà chưa ăn kẹo mè xửng Huế thì quả là một điều hối tiếc. 

Đặc sản này được làm từ nguyên liệu chính là mè, hay còn gọi là vừng, sau đó hoán đường rồi cô đặc lại thành chất dẻo. Ngoài vừng ra còn có bánh đa, mạch nha, đậu phộng cũng là thành phần không thể thiếu của mè xửng. Với vị ngọt và dẻo dai của đường kết hợp với đậu phộng, mùi thơm của vừng khiến người ăn ăn vào nhớ mãi.

4. Dâu Đà Lạt (Lâm Đồng)

dau-tay-da-lat-4-1701850559.jpg
Dâu có thể chế biến thành nhiều món khác như dâu tây sấy giòn Đà Lạt hoặc dâu dầm đường. Ảnh: vinwonders

Dâu tây Đà Lạt phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại vùng đất này, nhờ vậy mà dâu phát triển khỏe mạnh và cho ra chất lượng quả tốt hơn so với nhiều nơi khác. Dâu Đà Lạt chắc thịt, quả mọng nước, vị ngọt thanh vừa phải. Đặc biệt, loại quả này được trồng bằng công nghệ thủy canh nên đảm bảo xanh, sạch, không chứa chất bảo quản.

Loại quả đặc sản Đà Lạt này còn chứa hàm lượng vitamin C cao, mang lại lợi ích dinh dưỡng lớn cho sức khỏe. Bên cạnh đó, dâu còn được chế biến ra nhiều các món ăn khác nhau như kẹo dâu tây Đà Lạt, dâu tây lắc Đà Lạt, dâu tây sấy dẻo Đà Lạt… giúp khai thác trọn vẹn vị ngon của loại quả này.

5. Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh)

1-1625-1701850695.jpeg

Bánh tét có màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon. Ảnh: thanhtructravinh

Có dịp đi du lịch Trà Vinh, nhất định bạn phải một lần thưởng thức bánh tét Trà Cuôn để cảm nhận hương vị đặc trưng của món bánh đặc sản này. Sự khác biệt của bánh tét nằm ở công đoạn chọn lựa nguyên liệu, gói bánh và luộc bánh. Để có đòn bánh ngon, người thợ sử dụng nếp sáp, thịt ba rọi ướp thơm và đậu xanh. 

Tùy cơ sở chế biến mà phần nếp sáp được giữ màu trắng tinh túy cho hoặc cho thêm nước cốt gấc để có màu đỏ cam, thêm lá cẩm để có màu tím hay thêm lá bồ ngót để có màu xanh bắt mắt. Chính nguyên liệu tự nhiên này góp phần giúp cho món bánh tét có màu sắc đẹp và mùi thơm khó cưỡng. 

Trong thời gian tới, VietKings sẽ tiếp tục tiến hành đề cử những giá trị nổi bật của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách toàn diện đến bạn bè thế giới

11 đặc sản Việt Nam được công nhận vào năm 2022 gồm: gỏi sầu đâu An Giang, gỏi cá trích Phú Quốc, lẩu mắm U Minh Cà Mau, các món ăn từ sen Đồng Tháp, các món ăn từ cá thát lát Hậu Giang, các món ăn từ cá ngừ đại dương Phú Yên, các món ăn từ dừa Bến Tre, tỏi Lý Sơn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim Tiền Giang, yến sào Khánh Hòa và rượu sim Phú Quốc.

Tiêu chí lựa chọn dựa vào sự nổi tiếng của chính món ăn cùng hương vị quyến rũ. Bên cạnh đó món ăn phải mang hơi thở vùng miền, chế biến từ gia vị địa phương và mang tính đại diện cho phong cách ẩm thực ở chính nơi nó ra đời.

Anh Thư (Tổng hợp)

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/xac-lap-10-ky-luc-chau-a-moi-ve-am-thuc-va-qua-tang-dac-san-viet-nam-a2647.html