Người đàn ông gần nửa thế kỷ “bắt bệnh” cho giày dép

Đó là hình ảnh của ông Tạ Văn Hiếu (SN 1946) - người đã 41 năm miệt mài với nghề sửa giày trên góc đường ở gần chợ Bến Thành, Quận 1, TP.HCM

Ngồi giữa góc phố Lê Thánh Tôn giao với Phan Bội Châu (Q.1, TP.HCM), xung quanh những hàng quán hiện đại luôn sầm uất bởi du khách từ nhiều nơi ghé qua. Thì ở góc phố ấy, vẫn còn người lưu giữ cái nghề sửa giày gia truyền hơn 40 năm qua.

20231019-091508-min-1697970433.jpg
Dù đã lớn tuổi nhưng ông Hiếu vẫn hàng ngày hành nghề từ 7h sáng đến 16h30 .Ảnh: Phúc Nguyễn

Theo ông Hiếu, sau ngày thống nhất đất nước, ông từng làm việc trong lĩnh vực thủy lợi. Nhưng vì thu nhập thấp nên đến năm 1982, ông được ba vợ (vốn là một người thợ giày) truyền nghề lại và từ đó bén duyên với nghề này đến tận bây giờ. 

20231019-101359-min1-1697982344.jpg
Những đồ nghề đơn giản, nhỏ gọn đi theo ông Hiếu hàng chục năm .Ảnh: Phúc Nguyễn
20231019-090925-min-1697967316.jpg
Trung bình một ngày ông nhận sửa từ 10 - 20 đôi giày .Ảnh: Phúc Nguyễn

Như một thói quen đã tồn tại suốt hơn 40 năm qua, ông Hiếu (nhà ở quận 4) vẫn sáng sớm 7h đến góc phố quen thuộc này để hành nghề. Với kinh nghiệm lão luyện trong nghề, dường như không có loại giày nào có thể làm khó đôi tay này. Từ những đôi giày tây, đến các loại giày vải với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Chỉ cần nghe qua tình trạng giày, ngắm nghía vài cái là người thợ giày lành nghề đã “bắt được bệnh” của đôi giày.

20231019-095501-min-1697970859.jpg
Dù là một thợ sửa giày, nhưng ông Hiếu luôn sẵn sàng chia sẻ về những "ngón nghề" của mình .Ảnh: Phúc Nguyễn

Những vị khách của lão thợ giày đôi khi tìm đến ông với lý do khá đặc biệt, như ông T. (làm tại một ngân hàng tại TPHCM) là khách hàng thân thiết của chú đã hơn 10 năm nay. Không chỉ là người sửa giày chất lượng và có uy tín, mà đôi khi tìm đến ông Hiếu chỉ để nói chuyện - xem chú như là một người bạn của mình.

20231019-094346-min-1697971824.jpg
Chị Hường (ngụ tại TP. Thủ Đức), dù nhà ở cách khá xa chỗ ông Hiếu sửa giày nhưng vì uy tín và chất lượng nên chị vẫn mang giày đến cho ông sửa .Ảnh: Phúc Nguyễn

Trong suốt quá trình làm nghề ấy, ông Hiếu đã là một thương hiệu “nổi tiếng” trong làng sửa giày dép. Gian hàng ấy, không chỉ phục vụ những vị khách của đất Sài thành, mà còn đến cả những vị khách là Việt kiều hay những khách hàng ngoại quốc tìm đến để nhờ ông “tân trang” lại đôi giày của mình.

Ông cho biết, nhiều vị khách quen, trước đây khi còn ở Việt Nam đã mang giày đến sửa. Sau này khi định cư nước ngoài, thi thoảng khi có dịp về nước, những Việt kiều ấy vẫn mang giày của họ từ nước ngoài về để ông sửa chữa.

20231019-095249-min-1697970859.jpg
Đôi của người thợ già ngoài 70 vẫn điêu luyện với các đường kim mũi chỉ, bất chấp tuổi tác của mình .Ảnh: Phúc Nguyễn
20231019-095227-1-1697971627.jpg
Dù lớn tuổi nhưng đôi tay may giày của ông Hiếu vẫn linh hoạt .Ảnh: Phúc Nguyễn

Thậm chí có những vị khách Tây, tuy không biết tiếng Việt nhưng với sự giới thiệu của bạn bè hoặc nghe qua danh tiếng của ông từ đâu đấy cũng mang giày đến cho ông sửa. Đặc biệt, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng ông Hiếu vẫn luôn “bắt bệnh” đúng và chuẩn xác cho những đôi giày của khách hàng ngoại quốc ấy – mà chưa bị phàn nàn bao giờ.

20231019-151616-min-1697982267.jpg
Ngoài danh tiếng sửa giày mấy chục năm, ông còn tự hào khi mình là thầy của hàng chục người thợ sửa giày khác .Ảnh: Phúc Nguyễn

Trong suốt 4 thập niên gắn bó với nghề "bắt bệnh" giày dép, chứng kiến bao đổi thay của thành phố thông qua góc phố mình ngồi, ông Hiếu vẫn còn nhớ như in nhiều kỷ niệm: “tôi vẫn còn nhớ, có một gia đình đã được tôi sửa đến cả ba thế hệ. Cứ thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, lần lượt mang giày dép hỏng đến cho tôi sửa, sau này đến khi định cư nước ngoài, thi thoảng có về nước vẫn mang giày dép từ nước ngoài đến để tôi sửa”- ông bộc bạch.

Người thợ 77 tuổi này, không chỉ nổi tiếng là một thợ giày “lão luyện”, mà bởi ở ông cái đạo đức nghề nghiệp cũng được đề cao. Ông Hiếu chia sẻ về nguyên tắc đạo đức ấy: “Khi nhận một đôi giày, mình phải thẩm định và tư vấn cho khách hàng. Nếu giá sửa đôi giày ấy cao hơn cả giá trị thực của đôi giày, thì sẽ báo cho khách để khách không sửa tốn tiền. Đồng thời phải tư vấn, để sửa đôi giày ấy thế nào vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa bảo đảm độ an toàn cho khách hàng khi sử dụng”.

20231019-090941-min-1697970398.jpg
Ông Hiếu còn được nhiều khách hàng tín nhiệm bởi tay nghề giỏi cùng "đạo đức" nghề của mình .Ảnh: Phúc Nguyễn

Tuy đã ở cái tuổi thất thập nhưng ông Hiếu vẫn sỡ hữu cho mình đôi mắt tinh tường, cùng đôi tay thạo nghề. Mỗi chiếc giày hay dép, đang từ vô dụng bởi do hỏng hóc, thì qua bàn tay của vị thợ già này, chúng đã trở nên hữu dụng. Cái nghề sửa giày của ông Hiếu từ xuất phát điểm để mưu sinh, thì có lẽ giờ gần như thành một niềm “đam mê” của ông. Vì vậy ông chia sẻ, sẽ chỉ dừng công việc này khi không còn sức nữa.

Nếu những ai có giày dép hỏng hóc, cần tìm một nơi uy tín để sửa chữa, thì có thể tìm đến ông Hiếu - một vị thợ giày giỏi nghề và uy tín hơn 4 thập niên tại TP.HCM.

Phúc Nguyễn

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/nguoi-dan-ong-gan-nua-the-ky-bat-benh-cho-giay-dep-a2271.html