Cuộc đời bi thương của cụ ông ngoài 90 vẫn miệt mài bán sách cũ vỉa hè TP.HCM

Đi qua góc phố trên con đường Lâm Văn Bền (Q.7), chắc hẳn mọi người sẽ nhìn thấy cụ già ngồi bên hông một trường tiểu học, bên cạnh là những quyển sách cũ được bày bán bên vỉa hè tấp nập người qua lại.

Trong cuộc sống hiện nay, đa phần người đam mê sách thường tìm kiếm những cuốn sách mình yêu thích tại các cửa hàng hoặc hiệu sách với không gian thoải mái, được bày trí bắt mắt. Các nơi bán sách cũ, một thời rất phổ biến ở TP.HCM, đã dần biến mất trong cuộc sống đô thị hiện đại. Thế nhưng tại con phố gần một trường tiểu học ở quận 7 vẫn có một cụ già nay đã ở tuổi U100 vẫn hàng ngày gắn bó với nghề bán sách cũ để mưu sinh.

"Cửa hàng sách dã chiến” tọa lạc ngay trên vỉa hè

20230919-081221-1-min-1695195656.jpg
Ông Trần Minh Quang đều đặn mỗi ngày với gian hàng sách "dã chiến" của mình. Ảnh: Phúc Nguyễn

Cụ ông với quầy sách đặc biệt đó không ai khác chính là ông Trần Minh Quang (94 tuổi). Ông Quang là người gốc Đồng Nai. Ở cái tuổi thượng thọ gần 100 đáng lẽ ra phải được "nghỉ hưu" và sum vầy bên con cháu, thế nhưng ông vẫn hàng ngày mưu sinh bằng công việc bán sách cũ trên vỉa hè.

20230919-075143-min-1695180870.jpg
Những quyển sách được bày bán đa dạng các thể loại, từ truyện thiếu nhi, sách văn học đến từ điển tiếng nước ngoài... Ảnh: Phúc Nguyễn

Chia sẻ với chúng tôi, ông Quang cho biết ông đã đến Sài Gòn hơn 20 năm trước, trải qua nhiều công việc khác nhau và cũng không ít lần gặp thất bại. Tuy nhiên, sau đó ông đã quyết định mưu sinh bằng cách buôn bán những cuốn sách cũ, phần vì yêu thích, phần vì nghề này chẳng phải tốn nhiều vốn liếng. Thu nhập của ông chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của những người yêu sách ghé qua mua ủng hộ và người dân xung quanh. Mặc dù đã bước sang tuổi 94, nhưng do những biến cố trong quá khứ, ông hiện vẫn phải đối mặt với tình trạng không có nhà cửa, cũng không có người thân bên cạnh.

20230919-074940-min-1695181863.jpg
Ngoài các loại sách, ông Quang còn bán cả những chiếc băng cassette và đĩa nhạc cũ, đa phần được người dân xung quanh mang tặng. Ảnh: Phúc Nguyễn

Gọi là “cửa hàng sách dã chiến” bởi nơi trưng bày và buôn bán sách của ông Quang không phải là nơi có những kệ sách cao to được trang trí lộng lẫy, mà đó chỉ là những tấm bạt được trải tạm bợ trên vỉa hè. Trên đó là những hàng sách được xếp ngay ngắn với đủ các thể loại từ truyện tranh, tiểu thuyết đến cả từ điển tiếng nước ngoài. Nơi mà có thể gọi là kho sách chính là chiếc xe đẩy cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian.

Điều đặc biệt của "cửa hàng sách dã chiến" này là khi bạn mua sách tại đây, ông chủ chỉ tính giá rất rẻ, thậm chí chỉ bằng một nửa giá bìa. Nhiều lúc ông còn rất hào sảng khi sẵn sàng cho phép bạn đổi quyển cũ lấy quyển mới với giá rẻ hơn.

20230919-074949-min-1695181004.jpg
Chiếc xe đẩy cũ kỹ cũng chính là nơi ông dùng làm kho chứa sách. Ảnh: Phúc Nguyễn

Do hàng ngày được ở gần những quyển sách cùng với nhiều trải nghiệm trên đường đời, nên khi trao đổi, khách hàng có thể thấy rõ được sự tinh tường và minh mẫn ở cái tuổi 94 của vị chủ “hiệu sách” này.

Theo chị Hằng (50 tuổi, người dân sống gần khu vực) cho biết: “Vì biết hoàn cảnh của ông, nên nhiều người dân tại đây thường mang những quyển sách cũ hay quần áo đến để giúp đỡ cụ”.

Thu nhập bấp bênh, “ai cho gì ăn nấy”

Hỏi về công việc bán sách có cực nhọc hay không thì ông cụ cho biết mình chỉ bắt đầu bán vào lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa hàng ngày. Vì đã tương đối lớn tuổi nên mỗi ngày ông chỉ có thể buôn bán vài tiếng buổi sáng rồi nghỉ. Sau khi dọn dẹp hàng, ông phải lang thang khắp các con phố trên chiếc xe đạp cũ kỹ của mình để tìm nơi có bóng râm để ngả lưng vào giờ trưa.

20230919-073334-min-1695181863.jpg
Thu nhập mỗi ngày của cụ ông được vài chục đến một trăm ngàn đồng. Ảnh: Phúc Nguyễn

Nơi mà ông gọi là nhà và phòng cũng chính là khoảng trống kế bên trên vỉa hè gần điểm bán sách. Vì sống gần trường học, nên chỉ vào lúc đêm về ông mới mắc chiếc võng lên gốc cây gần đó làm chỗ ngủ và dùng một tấm ni lông làm mái che phòng mưa gió. Tư trang của ông ngoài chiếc xe đạp và xe đẩy sách ra thì có lẽ chính là mớ quần áo và vật dụng cá nhân được gói trong mấy lớp bao ni lông. 

20230919-0806380-min-1695181004.jpg
Tài sản của ông, ngoài những quyển sách cũ, thì toàn bộ quần áo và tư trang đều phải gói trong những bao ni lông. Ảnh: Phúc Nguyễn

Ông Quang bộc bạch: “Cách đây vài năm, tôi buôn bán khá ổn, vì nhiều người xem sách, nhưng thời gian gần đây mỗi ngày chỉ còn bán được vài chục đến độ trăm ngàn đồng. Vì sách mới tái bản quá nhiều, còn người trẻ thì thích dùng điện thoại để xem hơn là đọc sách”. 

Với thu nhập bấp bênh của mình, hàng ngày ông Quang thường phải chờ những bữa “ai cho gì ăn nấy” của người dân xung quanh. Cá biệt có khi không có ai cho thì phải ăn tạm bợ cơm trắng với nước tương, thậm chí phải nhịn cho qua bữa. Ngay đến những trang phục mặc trên người ông Quang cũng không sắm nổi cho mình, đa phần đều được nhận nhờ lòng hảo tâm của người dân xung quanh dành cho ông.

20230919-080207-min-1695183150.jpg
Những hôm không có thức ăn, bữa ăn của ông Quang chỉ là cơm trắng để qua bữa. Ảnh: Phúc Nguyễn

Nói về mong ước của bản thân, ông Quang bùi ngùi: “Nhiều đêm tôi khóc suy nghĩ về số phận của mình. Ở tuổi gần đất xa trời chỉ mong sao có được nơi chốn nương tựa những ngày tháng cuối đời, nhất là có người lo hậu sự khi qua đời. Thậm chí nếu được tôi còn mong muốn mình sẽ đăng ký hiến tạng cho y học, để sau khi ra đi mình còn có thể đóng góp cho đời”. 

20230919-073313-min-1695180883.jpg
Ở cái tuổi "gần đất xa trời", ông Quang mong mỏi có được nơi chốn nương tựa. Ảnh: Phúc Nguyễn

Giữa lòng thành phố hoa lệ với bao tòa cao ốc hiện đại, tòa nhà khang trang, thì đâu đó trên những góc phố vẫn còn những phận người chỉ mưu cầu cho mình được ăn no mặc ấm, có một nơi chốn để về hay thậm chí chỉ là một ai đó lo hậu sự khi rời khỏi cõi đời. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là quá xa xỉ với những mảnh đời kém may mắn. 

20230919-101304-min-3-1695195388.jpg
Sau giờ bán sách, ông Minh phải lang thang khắp các con phố để tìm cho mình một nơi nghỉ ngơi vào giấc trưa. Ảnh: Phúc Nguyễn

Nhìn những quyển sách úa màu thời gian nằm trơ trọi mặc nắng gió bên vỉa hè, cũng như số phận của ông chủ "cửa hàng sách dã chiến” lầm lũi, hiu quạnh ai cũng cảm thấy thương cảm cho ông.

Nếu như mỗi chương trong sách là một câu chuyện khác nhau, thì với ông Quang dù ở cái độ tuổi “cổ lai hy” nhưng cuộc sống của ông dường như vẫn ở trong một chương truyện có nội dung buồn. Chỉ mong rằng những ai có dịp đi ngang qua con phố ấy, nếu thấy hình dáng của một cụ già ngồi bán từng quyển sách cũ thì hãy ghé qua để ủng hộ cũng là cách san sẻ phần nào nỗi lo toan, vất vả cho ông cụ.

Phúc Nguyễn

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/cuoc-doi-bi-thuong-cua-cu-ong-ngoai-90-van-miet-mai-ban-sach-cu-via-he-tphcm-a1970.html