Đỏ rực chợ Tết - văn hoá lâu đời người Việt
Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng phiên chợ quê ngày Tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đế xuân về.
Bao đời nay chợ Tết không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn là nơi lưu giữ bức tranh văn hoá đặc sắc của người Việt. Chợ Tết có sự náo nhiệt, rộn ràng người mua người bán, tiếng cười trẻ thơ cùng những hàng bày bán nhiều thức quà đầy màu sắc.
Cứ vào tầm 20 tháng Chạp là các khu chợ Tết tại miền Tây lại “lên đồ”, treo đầy những vật dụng quen thuộc ngày Tết như tua rua, bao lì xì, giấy đỏ, câu đối…
Dạo chợ Tết quê, thưởng thức các thứ quà bánh dân dã, ngắm nhìn không khí ồn ào ngày xuân về mới thấm thía cái Tết quê nhà, dấu ấn đậm mãi trong lòng người con xa xứ.
Phiên chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Cũng là nơi mua bán hàng hoá nhưng phiên chợ Tết luôn có những nét đặc trưng riêng khác biệt với chợ nơi đô thành, phố thị.
Những năm gần đây, do công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội bán đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà nên rất nhiều người có xu hướng mua hàng online.
Thế nhưng, mỗi khi Tết đến ai cũng nôn nao về nhà, về quê và vẫn thích đi chợ quê ngày Tết như cái thuở còn thơ theo mẹ năm nào.
Những phiên chợ quê như thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người.
Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.